Buổi lễ có sự tham dự của GS-TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA; đại diện lãnh đạo các cơ quan nhà nước cùng hàng trăm cá nhân và tập thể được nhận giải thưởng và học bổng.
Giải thưởng năm nay vinh danh và hỗ trợ các tấm gương tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực thuộc 4 hạng mục: Học bổng nghị lực; Triển vọng; Kiến tạo và Sống đẹp.
Hạng mục Học bổng nghị lực trao cho 123 sinh viên vượt khó học giỏi từ 46 trường đại học (ĐH) công lập trên cả nước; mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng.
Hạng mục Triển vọng trao cho 14 sinh viên học tốt, có thành tích nghiên cứu khoa học, trị giá 10 triệu đồng/giải.
Hạng mục này còn có 5 dự án khởi nghiệp được trao, trị giá 30 triệu đồng/giải tập thể. Dự án khởi nghiệp của các nhóm: Hồ Thanh Huy, Lê Hoàng Minh Châu, Trần Thị Trâm (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM); Bùi Minh Đức, Nguyễn Anh Quân, Nguyễn Sơn Hải, Trần Thị Cẩm Vân, Phạm Ngọc Quân (ĐH Bách khoa Hà Nội); Trần Thủy Hoàng, Vũ Mạnh Hưng, Ngô Hà Vi, Phạm Ánh Ngọc, Lê Minh Hằng (Trường ĐH Dược Hà Nội); Vũ Ngọc Mai, Vũ Thị Oanh, Nguyễn Phạm Thùy Linh, Lê Thị Thảo, Nguyễn Đức Tiến (Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương); Hoàng Hải Quyên, Nguyễn Hữu Phong, Hoàng Nguyễn Minh Giang, Nguyễn Minh Anh, Cao Thế Phong (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội).
Hạng mục Kiến tạo dành cho những công trình nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng có tính sáng tạo, nhân văn, có giá trị với cộng đồng, trị giá 50 triệu đồng/giải tập thể; 30 triệu đồng/giải cá nhân. Ban tổ chức trao cho 1 tập thể và 2 cá nhân.
Giải tập thể được trao cho nghiên cứu Chọn lọc một số giống lúa mùa có chất lượng tốt tại Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang do GS-TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL và nhóm nghiên cứu thực hiện.
Hai giải cá nhân được trao cho: PGS-TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Tây nguyên, Trường ĐH Tây Nguyên với nghiên cứu sưu tầm, biên dịch nghiên cứu luật tục Bahnar; Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Liên, Phó chủ tịch, đồng sáng lập, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương với nghiên cứu sản xuất bộ sản phẩm chăm sóc, bảo vệ, phục hồi tóc hư tổn có nguồn gốc tự nhiên.
Hạng mục Sống đẹp dành cho những việc làm tử tế, nhân văn và có sức lan tỏa trong cộng đồng; những câu chuyện truyền cảm hứng về sự nhân ái, sẻ chia, trị giá 50 triệu đồng/giải tập thể; 30 triệu đồng/giải cá nhân. Ban tổ chức đã trao cho 1 tập thể và 4 cá nhân.
Giải tập thể của hạng mục này năm nay trao cho: Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TP.HCM. Giải cá nhân được trao cho 4 người: Bà Dương Thị Từ ở TP.Lạng Sơn, người khuyết tật chân đã mở cơ sở đào tạo nghề đan chổi chít, tạo điều kiện cho nhiều người khuyết tật có thêm thu nhập. Người thứ hai là chị Huỳnh Thanh Thảo, cô giáo xương thủy tinh giàu nghị lực, người sáng lập Quỹ học bổng "Cô Ba Ấp Ràng" để hỗ trợ khuyến học cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với hơn 800 suất học bổng đã trao. Chị Thảo còn mở và điều hành thư viện mini Cô Ba.
Người thứ ba nhận giải là bà Lê Thị Guốt, người trải qua 40 cuộc phẫu thuật trong 6 năm để giành lại sự sống. Bà chuyên tâm vào việc sản xuất tinh bột nghệ đỏ từ đôi bàn tay trắng và khởi nghiệp thành công. Bà sáng lập Hợp tác xã sản xuất tinh bột nghệ đỏ, tạo việc làm cho chị em phụ nữ yếu thế.
Thứ tư là cô giáo "chim cánh cụt" Lê Thị Thắm, người khuyết tật bẩm sinh, không có 2 cánh tay từ khi lọt lòng và bị cong vẹo cột sống. Tuy vậy, bằng nghị lực của bản thân, 12 năm liền chị đều là học sinh giỏi, thi đỗ vào Khoa sư phạm tiếng Anh Trường ĐH Hồng Đức và đạt học bổng KOVA nhiều năm liền. Sau khi ra trường, chị theo nghề giáo viên và lan tỏa niềm đam mê ngoại ngữ cho các em học sinh, truyền cảm hứng cho sinh viên vượt qua khó khăn, dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo vùng nông thôn tỉnh Thanh Hóa.
Giải thưởng và học bổng KOVA do PGS-TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA sáng lập vào năm 2002, xuất phát từ việc bà từng trải qua những khó khăn thời sinh viên và những ngày đầu khởi nghiệp từ khoa học. Giải thưởng ra đời với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng; lan tỏa những hành động nhân văn và ươm mầm; hỗ trợ các em sinh viên triển vọng trên cả nước.
Ngoài giá trị giải thưởng bằng tiền mặt, Giải thưởng KOVA còn hỗ trợ chi phí đi lại, khách sạn cùng nhiều hoạt động khác cho người đạt giải, đặc biệt là sinh viên. Toàn bộ nguồn kinh phí vận hành giải thưởng được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của các công ty thuộc Tập đoàn KOVA.
|