Khu ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai - Ảnh: ABC NEWS

Theo India Today ngày 1-4, bệnh nhân là một nam giới 56 tuổi đã được nhập viện điều trị. Khoảng 8-10 thành viên trong gia đình người này đã được cách ly. 

Theo trang thống kê uy tín Worldonmeters, đến nay Ấn Độ đã ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm virus corona chủng mới, bao gồm 59 người tử vong.

Dharavi rộng 613ha với 1,5 triệu dân là khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ và cũng lớn nhất châu Á. Thành phố Mumbai là một điểm nóng lây lan dịch COVID-19 tại Ấn Độ, chiếm hơn 50% trong số hơn 320 người nhiễm bệnh của bang Maharashtra.

Trước đó, theo Đài BBC, một đoạn clip phun thuốc khử trùng vào đám đông lao động nghèo ở Ấn Độ đã gây phẫn nộ dư luận nước này. Những người bị đối xử như vậy trong đoạn clip được hiểu là những di dân lao động vừa trở về thành phố Bareilly thuộc bang miền bắc Uttar Pradesh.

Họ nằm trong số hàng triệu người Ấn Độ trở về quê nhà những ngày qua trong bối cảnh chính quyền trung ương thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc 3 tuần để phòng chống dịch COVID-19.

Đoạn video đã được xem gần 400.000 lượt sau khi nhà báo của Times of India đăng lên mạng. Trong video, đám đông ngồi bệt trên nền đất trong khi các nhân viên y tế và nhân viên của lực lượng cứu hỏa mặc đồ bảo hộ, phun lên họ hóa chất tẩy trùng.

Trong đoạn video đầy đủ Đài BBC được xem, người ta còn thấy các quan chức hô lớn qua loa những chỉ dẫn với nhóm người này, yêu cầu họ nhắm mắt, ngậm chặt miệng lại.

Ở một phần khác trong video, người ta còn nghe thấy một quan chức ra lệnh cho nhóm người "che mắt cho con quý vị và cũng nhắm mắt mình luôn".

Thẩm phán tại thành phố Bareilly cho biết nhà chức trách đang điều tra về đoạn clip. Cũng theo ông thì: "Nhóm công tác của Công ty đô thị Bareily và các viên chức sở cứu hỏa được yêu cầu làm sạch các xe buýt, nhưng trong lúc hăng hái họ đã phun tẩy trùng luôn cả những người lao động".

Đoạn clip đã làm dấy lên làn sóng phản ứng gay gắt trên mạng xã hội Twitter.

Điều đáng buồn vì đây không phải video đầu tiên ghi lại tình huống những di dân lao động bị đối xử theo cách tồi tệ như vậy kể từ khi Ấn Độ công bố lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 24-3.

Hầu hết những người này là lao động công nhật và giờ đã thất nghiệp vì dịch bệnh. Không tiền, không việc làm, họ buộc phải về quê. Một số người tìm được xe buýt để về nhà, một số khác chỉ còn cách đi bộ.

Theo tuoitre