|
|
Một người đứng trên chiếc xe điện để giao hàng trong bối cảnh các biện pháp hạn chế Covid-19 được áp đặt ở Tam Á, tỉnh Hải Nam, vào ngày 6/8. Ảnh: China Daily. |
Biện pháp phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến nhiều thành phố, như Thâm Quyến và Quảng Châu ở miền Nam, Đại Liên ở miền Bắc, Thành Đô ở miền Tây và Thạch Gia Trang thuộc tỉnh Hà Bắc ở trung tâm, Guardian đưa tin ngày 31/8.
Theo Capital Economics - một doanh nghiệp nghiên cứu kinh tế độc lập ở London, 41 thành phố, đóng góp 32% cho tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc, đang bùng dịch. Con số này là mức cao nhất kể từ tháng 4.
“Hiện tại, sự gián đoạn phát sinh còn có vẻ khiêm tốn, nhưng nguy cơ xảy ra phong tỏa gây thiệt hại nặng đang ngày càng tăng”, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc thuộc Capital Economics, nói. “Kể cả tránh được viễn cảnh ấy, chúng tôi dự đoán tăng trưởng vẫn sẽ bị giới hạn trong thời gian tới”.
Phong tỏa trở lại nhiều nơi
Trung Quốc ghi nhận 1.675 ca mắc cộng đồng Covid-19 trong ngày 30/8, Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này ngày 31/8 cho biết. Số ca mắc nói trên giảm nhẹ so với 1.717 ca cộng đồng của một ngày trước. Hầu hết ca nhiễm mới được ghi nhận ở Tây Tạng và Tứ Xuyên.
Những đợt dịch quay trở lại đã khiến nhà chức trách phải ra tay.
Trung tâm thương mại Thượng Hải sẽ siết chặt kiểm soát đối với các buổi tụ tập quy mô lớn và tránh tổ chức các sự kiện không cần thiết, ông Wu Qianyu, một quan chức y tế Thượng Hải, cho biết.
Biện pháp này được đưa ra sau khi Thượng Hải ghi nhận 2 ca mắc hôm 30/8, bao gồm một ca trong cộng đồng.
Khoảng một nửa trong số 6 triệu người dân Đại Liên sẽ phải sống dưới lệnh phong tỏa dự kiến kéo dài 5 ngày. Nhưng trong quá khứ, nhà chức trách từng kéo dài thời gian phong tỏa vì số ca mắc mới.
Tại Thâm Quyến, ít nhất 4 quận với khoảng 9 triệu dân, đã yêu cầu đóng cửa tụ điểm giải trí - văn hóa, đồng thời dừng hoặc giảm hoạt động kinh doanh của nhà hàng trong một số ngày.
Quảng Châu, thành phố gần 19 triệu dân, ghi nhận chỉ 5 ca mắc cộng đồng trong ngày 30/8. Một số khu vực thuộc một quận ở Quảng Châu đã được yêu cầu đóng tụ điểm giải trí và ngừng phục vụ trực tiếp ở nhà hàng cho tới ngày 3/7.
Quảng Châu cũng lệnh cho mọi trường học từ cấp 3 trở xuống phải lùi ngày tựu trường và dừng giảng dạy trực tiếp, theo truyền thông Trung Quốc ngày 31/8. Xe buýt và tàu điện ngầm cũng bị giảm tần suất.
|
|
Một nhân viên y tế tại Thượng Hải hôm 23/8. Ảnh: Reuters. |
Sản lượng kinh tế của Thâm Quyến và Quảng Châu trong năm 2021 đạt mức 855 tỷ USD, bằng khoảng một nửa GDP của Hàn Quốc.
Nhận thức được sự cần thiết cân bằng giữa nhu cầu kinh tế và công tác kiểm soát dịch, nhà chức trách cho biết các quy định hạn chế sẽ chỉ kéo dài vài ngày. Dù vậy, một số thành phố quy mô nhỏ hơn trong tháng 8 từng kéo dài các biện pháp giới hạn.
Tác động tới kinh tế
Nhà chức trách Trung Quốc đưa ra các lệnh phong tỏa trong bối cảnh ngày 31/8 có thêm nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang gặp thách thức vì chiến lược chống Covid-19 nghiêm ngặt.
Trong tháng 8, chỉ số quản lý thu mua của Trung Quốc (PMI) - con số đo lường hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - là 49,4, tăng so với mức 49,0 hồi tháng 7, theo cơ quan thống kê quốc gia.
Tuy nhiên, con số ấy vẫn thấp hơn 50, mốc được dùng để phân biệt giữa tăng trưởng và suy yếu.
Các lệnh phong tỏa bất chợt khắp Trung Quốc cũng làm giảm lòng tin của doanh nghiệp và làm suy yếu chi tiêu của người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiệt độ gay gắt ở nhiều nơi vào mùa hè này đã khiến nhà máy ở một số nơi phải hạn chế sản xuất, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
|
|
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Bắc Kinh hôm 30/8. Ảnh: AP. |
Trung Quốc gần như vẫn đóng cửa biên giới với khách từ nước ngoài. Người nhập cảnh được đề nghị cách ly hơn một tuần tại khách sạn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó từng gọi chính sách chống dịch nghiêm ngặt Zero Covid-19 của Trung Quốc là không bền vững. Hôm 29/8, một viện chính sách của nước này khẳng định những quy định chống dịch nghiêm ngặt phải thay đổi để ngăn chặn “trì trệ kinh tế”.
“Ngăn ngừa rủi ro trì trệ kinh tế nên là nhiệm vụ ưu tiên”, Trung tâm Nghiên cứu Anbound viết trong một báo cáo có tựa đề “Đã đến lúc Trung Quốc điều chỉnh chính sách kiểm soát và phòng ngừa virus”.
Các đợt phong tỏa trước đã khiến hàng chục triệu người phải ở trong nhà dài ngày, đôi khi là trong nhiều tuần. Một đợt phong tỏa nghiêm ngặt vào tuần này ở Thượng Hải đã khiến người dân không hài lòng trước tình trạng thiếu thực phẩm và dịch vụ y tế.
Theo zingnews