Hát Xoan được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Cập nhật lúc 20:51, Thứ sáu, 08/12/2017 (GMT+7)
Vào lúc 10h51 (theo giờ Hàn Quốc tức 08h51 giờ Việt Nam), ngày 08/12 , tại Đảo Jeju, Hàn Quốc, Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 đã nhất trí đưa Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hát Xoan chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh trong danh sách cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO năm 2011. Sau 6 năm thực hiện nghiêm túc các cam kết với UNESCO, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Tại Kỳ họp lần thứ 12 này, các quốc gia thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã đánh giá cao quá trình bảo tồn, phát huy di sản của tỉnh Phú Thọ và ủng hộ đặc cách để Hồ sơ Hát Xoan là trường hợp đầu tiên được chuyển từ danh sách di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang ghi danh tại danh sách di sản văn hóa đại diện của nhân loại.
Đây là kết quả của công tác chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cộng đồng, chính quyền tỉnh Phú Thọ, sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ giữa Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam với UNESCO cùng các nước trong Ủy ban Công ước 2003. Hát Xoan Phú Thọ đã được các cơ quan chuyên môn của UNESCO đánh giá đáp ứng được 5 tiêu chí để được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với việc ghi danh 2 di sản Bài Chòi và Hát Xoan, đến nay Việt Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc ghi danh này có ý nghĩa quan trọng, góp phần quảng bá hiệu quả nền văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam, khẳng định cam kết của Việt Nam đối với việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, di sản của Việt Nam và thể hiện sự đóng góp tích cực của Việt Nam đối với tổ chức UNESCO.
Cũng như các di sản phi vật thể đã được ghi nhận trước đây, hai di sản được công nhận lần này tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở các địa phương được ghi danh cũng như trên phạm vi cả nước. Đây cũng là vinh dự to lớn, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề trong việc nâng cao nhận thức của người dân, tạo thêm động lực để cộng đồng và các địa phương tiếp tục gìn giữ, phát huy di sản trong đời sống xã hội, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước trên thế giới./.
Theo Quehuongonline.vn