Hồi tháng 7, Thủ tướng Boris Johnson thông báo chính phủ Anh sẽ buộc các câu lạc bộ đêm và tụ điểm trong nhà khác phải đảm bảo khách hàng của họ đã được tiêm phòng đầy đủ trước khi vào cửa.
Đề xuất về hộ chiếu vaccine đã vấp phải sự hoài nghi từ ngành công nghiệp hộp đêm ở Anh, bởi nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của ngành này.
Đại diện ngành công nghiệp giải trí đêm cho rằng yêu cầu hiện tại nên được ưu tiên. Theo đó, hầu hết địa điểm cho phép khách hàng tham gia chỉ cần đáp ứng điều kiện đã tiêm chủng đầy đủ hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.
Chính phủ Anh đưa ra yêu cầu người đến bar, club và tụ điểm giải trí trong nhà khác phải tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: AP.
Chưa có thông tin chính thức nào được công bố, nhiều người đồn đoán rằng kế hoạch sẽ bị hủy bỏ khi đối mặt phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ Đảng Bảo thủ và các nhóm kinh doanh.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính thức của thủ tướng đã cho biết vào hôm 31/6 rằng sẽ không có thay đổi nào về chính sách.
"Chúng tôi đưa ra ý định yêu cầu tiêm phòng rộng rãi cho các hộp đêm và một số cơ sở khác. Chúng tôi sẽ tiến hành trong những tuần tới với thông tin chi tiết về vấn đề này".
Chia rẽ các tầng lớp
Ngoài việc bảo vệ các thành viên của câu lạc bộ đêm khỏi dịch bệnh, động thái này nhằm thúc đẩy tỷ lệ người tiêm vaccine. Nhưng nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet EClinicalMedicine mới đây cho thấy yêu cầu trên có thể phản tác dụng trong những nhóm khó tiếp cận nhất.
Cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 4, khi hầu hết người dân chưa được tiêm chủng hoặc chỉ mới được tiêm một liều vaccine. Kết quả cho thấy rằng các nhóm ít có khả năng tiêm chủng, bao gồm cả những người trẻ tuổi, không phải người da trắng và những người không nói tiếng Anh, có cái nhìn thiếu tích cực về hộ chiếu tiêm chủng.
"Điều này có nguy cơ tạo ra sự chia rẽ xã hội, bởi phần lớn được an toàn nhưng cũng có những nhóm tỷ lệ tiêm chủng thấp, nơi dịch có nguy cơ bùng phát trở lại", tác giả nghiên cứu cho biết.
Giáo sư John Drury, người tham gia tiểu ban Sage cố vấn về khoa học hành vi, cho biết nghiên cứu về tác động hành vi của hộ chiếu vaccine cũng cho thấy kế hoạch này gây ra sự chia rẽ xã hội.
“Hộ chiếu vaccine sẽ tạo ra sự loại trừ, sự loại trừ đó được cấu trúc bởi những bất bình đẳng hiện có. Bạn chỉ cần nhìn vào dữ liệu về những người chưa được tiêm chủng để hiểu điều này, những người trẻ tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số sẽ bị loại trừ".
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu lịch sử cho thấy những người đã bị tước quyền y tế sẽ không thể dễ dàng tiếp nhận tiêm chủng.
Hộ chiếu vaccine có thể gây chia rẽ xã hội Anh khi có những nhóm không tiếp cận được vaccine sẽ bị "loại trừ" quyền lợi.
Một nghiên cứu liên quan đến 16.527 người, trong đó 14.543 người chưa tiêm đủ hai liều vaccine. Trong nhóm này, đại đa số (87,8%) cho biết quyết định của họ về việc tiêm chủng sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc cấp hộ chiếu vaccine.
Tuy nhiên, trong số 12,2% còn lại, khoảng 2/3 người cho rằng họ sẽ ít có khả năng tiêm chủng hơn nếu có hộ chiếu.
Tác giả chính, Tiến sĩ Alex de Figueedlyo từ Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, cho biết tỷ lệ này trở nên đáng kể khi nhân rộng ra toàn bộ dân số nước Anh.
Các nhóm tuổi trẻ hơn, người Anh da đen và những người không nói tiếng Anh có xu hướng tiêm chủng thấp hơn. Những nhóm này chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong dân số Vương quốc Anh, họ tập trung về mặt địa lý và có xu hướng ít tiêm chủng ngay từ đầu.
Bằng chứng cho thấy việc áp đặt hộ chiếu vaccine có thể có tác động trái ngược so với dự định ban đầu của chính phủ.
Người lao động cũng bày tỏ lo ngại, đề xuất một hệ thống bao gồm xét nghiệm Covid-19 như một biện pháp thay thế cho tiêm chủng, cũng sẽ là một cách tiếp cận tốt hơn vì những cá nhân đã tiêm chủng vẫn hoàn toàn có thể nhiễm và lây truyền virus.
Các nhà khoa học cho biết một vấn đề của hộ chiếu vaccine, đặc biệt là đối với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, là cơ sở khoa học còn hạn chế. Theo Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, người đã tiêm hai mũi vẫn có khả năng bị nhiễm khoảng 50% so với người không được tiêm.
Các chương trình hộ chiếu vaccine ở các quốc gia khác cũng phát triển theo nhiều hướng khác nhau nhận về những phản ứng trái chiều.
Hệ thống "coronapas" của Đan Mạch hoạt động từ tháng 4 nhưng sẽ bị ngừng hoạt động từ ngày 10/9, do các nhà chức trách tin rằng virus không còn là "mối đe dọa quan trọng" đối với xã hội.
Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, viện bảo tàng và tiệm xăm nước này đã mở cửa cho bất kỳ ai có thể đưa ra kết quả xét nghiệm âm tính dưới 72 giờ hoặc hoàn thành việc tiêm phòng, sử dụng chứng nhận điện tử.
Israel, quốc gia đi đầu trong việc triển khai hộ chiếu vaccine, đã có “thẻ xanh” cho phần lớn người dân trong năm nay. Quốc gia này đã phát hành một ứng dụng cho phép xác nhận một người đã được tiêm chủng đầy đủ hay được cho có miễn dịch sau khi mắc bệnh và hồi phục.
Một hệ thống mã QR được giới thiệu vào năm 2020 ở Trung Quốc nhằm phân loại người dân thành các "màu sắc", với màu xanh lá cây cho phép họ di chuyển tự do trong không gian công cộng.
Theo Zing