Chỉ hai ngày sau khi Iran công bố những ca nhiễm virus corona chủng mới đầu tiên, đã có nhiều hoạt động đào đất bất thường tại một nghĩa trang gần nơi các ca nhiễm xuất hiện, theo Washington Post.
Khu nghĩa trang Behesht-e Masoumeh ở gần thành phố Qom. Ảnh: Maxar Technologies.
Ảnh vệ tinh ngày 21/2 cho thấy tại khu nghĩa trang Behesht-e Masoumeh ở gần thành phố Qom, cách thủ đô Tehran 120 km về hướng nam, các rãnh đất đang được đào lên. Hoạt động này được đẩy mạnh khi virus tiếp tục lây lan.
Ảnh vệ tinh từ tháng 10/2019, chưa có rãnh đất ở khoảng đất ở bên phải của ảnh. Ảnh: Maxar Technologies.
Ảnh vệ tinh ngày 1/3 cho thấy hai rãnh đất dài. Ảnh: Maxar Technologies.
Đến cuối tháng 2, hai rãnh đất đã có tổng chiều dài tới 90 m, ngang sân bóng đá, và có thể được nhìn thấy từ ngoài không gian. Việc đào đất vẫn tiếp tục sau đó.
Rãnh đất để chôn nạn nhân Covid-19
Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy khoảng đất đó là dành cho số nạn nhân tử vong Covid-19 ngày càng tăng ở Qom.
Một nhà phân tích từ công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies ở Colorado cho biết kích thước của rãnh và tốc độ đào không phù hợp với nghi thức mai táng truyền thống của Iran, trong đó mỗi người qua đời có một miếng đất riêng.
Nhà phân tích giấu tên này cũng chỉ ra một đống vôi trắng bên cạnh, có thể được sử dụng để kiềm chế mùi và sự phân hủy của xác chết, theo Washington Post.
Một đoạn video trên mạng xã hội cho thấy rãnh đất trên là dành cho số nạn nhân tử vong Covid-19. Ảnh: Chụp màn hình.
Quan chức Iran trong những tuần qua đã xác nhận việc dùng vôi khi mai táng nạn nhân virus corona.
Một video khác được BBC tiếng Farsi chia sẻ ngày 3/3 cho thấy cảnh một số người đàn ông đang đưa quan tài về phía rãnh đất có nhiều ngôi mộ.
“Đây là khu dành cho nạn nhân virus corona”, người quay video nói, quay lại một phần của rãnh đất, cạnh đó có những vật đánh dấu đơn giản. Một số người đang mặc đồ bảo hộ màu xanh đang đợi bên cạnh.
“Hơn 80 người đã được mai táng ở khu này cho đến nay”, người quay video nói thêm.
Một video khác cho thấy người mặc đồ bảo hộ xanh khiêng quan tài tới rãnh. Trên mặt đất có các vật đánh dấu. Ảnh: Chụp màn hình.
Chính quyền thành phố Qom cho biết có 846 ca nhiễm và chưa công bố số ca tử vong, theo Washington Post.
“Mộ kéo dài tới tận cuối”
Trong một video khác, một người cho biết đang có mặt tại nghĩa trang Behest-e Masoumeh ngày 3/3, khoảng hai tuần sau khi Iran ghi nhận những ca bệnh đầu tiên. Tới lúc đó, 77 người đã tử vong, và hơn 2.000 nhiễm bệnh, theo số liệu chính thức.
Tuy nhiên, thông tin từ các bệnh viện ở Tehran mà Washington Post tiếp cận được cho thấy dịch bệnh lớn hơn vậy rất nhiều.
“Một nhân viên nói với tôi rằng họ đã chôn cất hơn 250 nạn nhân cho đến nay”, giọng nói trong video trên cho biết. Người này đi dọc nghĩa trang, hướng camera vào những mộ mới.
Một phụ nữ mang khẩu trang trong lúc đi đường ở Tehran. Ảnh: Reuters.
“Đây đều là mộ, đều là mộ mới”, người này nói, và còn chỉ tay về phía xa. “Còn đó là những ngôi mộ từ vài ngày trước... bạn có thể thấy, nó dài tới tận cuối”.
Iran, có 80 triệu dân, đã có tỷ lệ tử vong vì virus corona cao hơn hẳn trung bình, và một số lãnh đạo cao cấp đã nhiễm bệnh. Số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết có hơn 10.075 ca nhiễm và 429 ca tử vong, nhưng có nhiều hoài nghi liệu chính quyền có đang giảm nhẹ quy mô của dịch bệnh.
Các nạn nhân bao gồm một số nghị sĩ, một nhà ngoại giao và cố vấn cao cấp của Lãnh đạo Tối cao.
Trong ngày 12/3, Iran công bố thêm 1.075 ca nhiễm Covid-19 mới và 75 ca tử vong. Thủ đô Tehran hiện là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 2.000 ca nhiễm.
Liên Hợp Quốc ngày 11/3 đã kêu gọi Iran thả tù nhân chính trị trong bối cảnh virus corona lan nhanh. Theo đó, Tehran đã phóng thích 70.000 tù nhân để hạn chế sự lây lan của virus. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc tiếp tục yêu cầu thả tù nhân không phạm các tội liên quan hành vi bạo lực ra, theo Al Jazeera.
Iran đã đóng cửa các trường học và đại học cho đến đầu tháng 4 để ngăn chặn virus corona lây lan. Tuy nhiên, khi dịp lễ đến gần, người dân bắt đầu đi du lịch, đặc biệt là đến những địa điểm thu hút du khách ở các tỉnh phía bắc, theo ông Jahanpour, người phát ngôn Bộ Y tế nước này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif gần đây đã lên Twitter để chỉ trích lệnh trừng phạt của Mỹ, cho rằng nó khiến cho Iran không thể tiếp cận các nguồn cung y tế để đối phó với dịch bệnh.
Theo Zing