Anh Jonathan Niu cùng cha mẹ chờ chuyến bay về Trung Quốc tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ngày 31-1-2020 - Ảnh: REUTERS
Ngày 31-1, anh Jonathan Niu, một người Trung Quốc định cư tại Mỹ, tới sân bay quốc tế John F. Kennedy sớm hơn 5 tiếng để thu xếp số hành lý ký gửi cồng kềnh của gia đình, trong đó có rất nhiều thùng to chất đầy các hộp khẩu trang.
"Giờ là lúc phải về nhà"
Lần này anh Jonathan Niu đưa cha mẹ trở về Trung Quốc. Cha mẹ anh, cả hai đều đã ngoài 70, tới thăm con trai tại New York khoảng 5 tháng trước. Đó cũng là chuyến đi Mỹ đầu tiên trong 20 năm qua để thăm con trai của ông bà.
Trong lúc ông bà đang ở với anh thì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc rồi lan ra rất nhanh, trở thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu.
Trong khi chính phủ nhiều nước đang khẩn trương triển khai kế hoạch sơ tán công dân khỏi Trung Quốc, anh Niu là một trong số những người cảm thấy giờ là lúc phải trở về. Xa cách quê hương đã nhiều tháng và cha mẹ anh đều rất nhớ nhà.
"Giờ là lúc phải trở về", anh Niu, 44 tuổi, chia sẻ. Người đàn ông này đã rời Trung Quốc từ hơn 20 năm trước và hiện đã định cư tại Manhattan, New York với công việc trong lĩnh vực tài chính.
Cả gia đình anh Niu vẫn nhớ các dịch bệnh do virus gây ra trước đây, trong đó có Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS) giai đoạn 2002-2003, và họ đều đã vượt qua dịch an toàn.
Theo anh Niu, việc Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định phát cảnh báo cấp cao nhất khuyên người dân không nên tới Trung Quốc lúc này là rất đúng đắn. Tuy nhiên bản thân anh vẫn muốn được lo lắng, chăm sóc cho cha mẹ già ở quê.
Đi cùng con trai, người cha của anh Niu dường như không quá lo lắng. Trong sảnh chờ trước khi lên chuyến bay của hãng China Eastern Airlines về nhà, ông cụ cười rất tươi, thậm chí còn giục một nhà báo hãy đặt vé ngay để tới Trung Quốc.
Trong khi đó, mẹ anh Niu có vẻ không nhẹ nhõm như vậy. "Bà quá lo lắng, thậm chí không ngủ được nữa", anh cho biết.
Theo anh Niu, sau khi về tới nhà rồi, anh dự kiến sẽ lo dự trữ đủ lương thực, thực phẩm và các đồ dùng cần thiết khác cho căn nhà của cha mẹ ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy.
Anh cũng sẽ ở lại cùng họ trong khoảng một hoặc hai tháng như một kiểu tự cách ly phòng dịch trước khi trở lại New York.
Anh cũng đã nghĩ tới chuyện chia sẻ một số khẩu trang mang về cho những người hàng xóm của cha mẹ và để lại một số hộp ở bệnh viện gần nhà.
"Mọi người ở đó đều đang rất lo sợ - anh nói - Mọi người không thể mua được khẩu trang". Lô hàng đóng gói mang về này đã ngốn của anh Niu khoảng 400 USD.
Anh cũng nhét thêm khoảng 5 cái khẩu trang nữa trong hành lý xách tay, dự định có thể chia sẻ với những người ngồi gần chỗ mình trên máy bay.
Bắt buộc đeo khẩu trang
Trong nhà ga Terminal 1 ở sân bay John Kennedy ngày 31-1, gần như tất cả những người đang xếp hàng chờ làm thủ tục check-in cho các chuyến bay đi Thượng Hải và Bắc Kinh đều là người Trung Quốc. Họ là những người đang trong hành trình trở về nhà sau kỳ nghỉ hoặc công tác ở Mỹ.
Chị Linda Xu, 40 tuổi, vừa cùng chồng và hai con tới New York, cho biết khi trở lại Bắc Kinh, cả nhà chị sẽ hạn chế tối đa việc rời khỏi nhà.
"Chúng tôi cần phải ở nhà", chị nói, giọng nghẹt một chút vì nói qua khẩu trang. "Không phải đi học", cậu con trai 11 tuổi Shawn Xu, dường như có chút hân hoan khi nói với phóng viên Reuters.
Tất cả nhân viên các hãng bay làm việc tại quầy thủ tục đều đeo khẩu trang, giống như khoảng một nửa hành khách đang xếp hàng chờ trước quầy.
Một nhân viên của Hãng China Eastern Airlines tại quầy thủ tục cho biết trong những ngày qua việc đeo khẩu trang là quy định bắt buộc với các nhân viên của hãng.
Sau khi gần như mọi hành khách đã làm xong thủ tục check-in, hai tiếp viên của hãng bay vẫn còn đứng lại chờ, khuôn mặt họ gần như che kín dưới lớp khẩu trang. Một nhân viên khác liền sau đó đi tới, bỏ vào quầy thêm 3 hộp với 150 chiếc khẩu trang nữa.
Theo tuoitre