Các vị quan mặc sắc phục đen đi qua cái lều để tiến hành nghi thức đốt mai rùa - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, nghi thức đốt mai rùa vừa được các vị đại thần trong hoàng cung Nhật Bản tiến hành trong hôm nay (13-5). Thiên hoàng Naruhito không tham gia vào nghi thức này.
Theo trình tự, họ dùng lửa nung hai chiếc đĩa mỏng làm từ mai rùa biển xanh (con vích) cho đến khi xuất hiện vết nứt trên đó. Sau khi "đọc" thông điệp từ vết nứt, họ quyết định trồng mẻ lúa ở cố đô Kyoto và tỉnh Tochigi nằm ở phía bắc Tokyo.
Lúa sau khi thu hoạch sẽ được dùng trong một nghi thức khác diễn ra vào giữa tháng 11-2019. Đây là dịp để Thiên hoàng Naruhito tỏ lòng biết ơn, cầu nguyện cho vụ mùa bội thu và hòa bình cho đất nước, người dân.
Nghi thức đốt mai rùa khá hiếm vì nó chỉ diễn ra khi một thiên hoàng mới lên ngôi. Lần cuối nó được tổ chức là năm 1990, khoảng 1 năm sau khi thượng hoàng Akihito - thân phụ Thiên hoàng Naruhito - mới lên ngôi.
Mai rùa dùng trong nghi thức thuộc về loài rùa biển xanh (tiếng Việt gọi là con vích), một loài nằm trong sách đỏ thuộc diện nguy cấp. Những con rùa này sống trong khu bảo tồn thuộc quần đảo Ogasawara trên Thái Bình Dương, cách Tokyo 1.000km về phía nam.
Rùa biển xanh là loài nằm trong sách đỏ thuộc diện nguy cấp - Ảnh: The Nature Conservancy
Người dân ở Ogasawara có tập quán ăn thịt rùa từ giữa thế kỷ 19 và được chính quyền Tokyo (Ogasawara do Tokyo quản lý) cho phép đánh bắt 135 con mỗi năm.
Khoảng 100 con rùa sẽ bị xẻ thịt (thường là ăn sống), còn mai rùa dùng chế tác đồ thủ công mỹ nghệ; có 8 mai rùa được chuyển cho hoàng cung Nhật. Với số rùa còn lại, người ta thu hoạch trứng của chúng để nhân giống bảo tồn rồi thả trở lại biển.
Khá nhiều người Nhật biểu hiện sự ngạc nhiên trên mạng xã hội khi nghe về nghi thức đốt mai rùa. "Thật kỳ lạ và hài hước khi ra quyết định dựa trên bói toán bằng mai rùa ở một nước Nhật hiện đại" - một người viết trên Twitter.
Người khác thì tỏ ra thương hại mấy chú rùa: "Tôi thấy tội nghiệp mấy con rùa biển xanh dù chúng bị giết không chỉ vì cái mai. Chúng ta nên tiếp nối truyền thống với một thứ khác".
Theo
Tuổi Trẻ