leftcenterrightdel
 Bác Hồ thăm nông dân hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gặt mùa năm 1954. (Ảnh: TTXVN)

Thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt Nam mà còn lay động tình cảm của nhiều giáo sư, học giả Hàn Quốc.

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul có cuộc phỏng vấn với ông Im Jin-ho, Giáo sư khoa Quốc tế thuộc trường Đại học Chodang, về những nghiên cứu và kế hoạch dịch thuật các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Giáo sư Im Jin-ho đang giảng dạy tại khoa Quốc tế, Đại học Chodang, Hàn Quốc. Ông đồng thời là người đứng đầu Trung tâm Giao lưu và Giáo dục quốc tế tại Đại học Chodang, và có nhiều cơ hội tìm hiểu nghiên cứu về Việt Nam.

Đặc biệt, với vai trò người đứng đầu Trung tâm Giao lưu và Giáo dục quốc tế, từ hơn 20 năm qua, ông đã có nhiều hoạt động nghiên cứu trao đổi học thuật, kết nối giao lưu liên quan đến các trường đại học của Việt Nam, tham gia nghiên cứu và xuất bản các chuyên luận về Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ hợp tác Hàn Quốc-Việt Nam, năm 2022, Giáo sư Im Jin-ho đã xuất bản 2 cuốn sách “Thần thoại và truyền thuyết Việt Nam, con Rồng cháu Tiên” và "Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng Hàn Quốc.

Với tình cảm dành cho Việt Nam, Giáo sư Im Jin-ho đã nhận lời làm cố vấn cho Hội người Việt Nam tại khu vực Gwangju-Jeonnam. Thời gian qua, ông đã tích cực tham gia nhiều hoạt động kết nối, hỗ trợ cho cộng đồng người Việt đang sống, làm việc và học tập tại khu vực các tỉnh phía Nam Hàn Quốc.

Nói về lý do khiến ông tiến hành các nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Im Jin-ho cho biết Việt Nam vốn có nền văn hiến và lịch sử lâu đời rất đặc sắc. Đặc biệt, những thăng trầm lịch sử của Việt Nam trong thời hiện đại có rất nhiều điểm tương đồng với lịch sử của Hàn Quốc khiến Giáo sư Im Jin-ho vô cùng quan tâm đến Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu những năm 1990, Giáo sư Im Jin-ho đã đến thăm Viện Khoa học Xã hội Quốc gia Việt Nam và nhận ra rằng các thế hệ trí thức hai nước Hàn Quốc-Việt Nam có rất nhiều mối giao lưu trong quá khứ. Những kết nối này đã thu hút ông quan tâm đến Việt Nam và lãnh tụ của dân tộc Việt Nam-Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với chuyên ngành Hán học, khi đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông tình cờ tìm thấy những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Trung Quốc và đây chính là cơ duyên để ông bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với độc giả Hàn Quốc.

Theo Giáo sư Im Jin-ho, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng, một chính trị gia, nhà hoạt động lỗi lạc của thế giới. Đặc biệt hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một chiến lược gia quân sự, một nhà ngoại giao xuất chúng có cái nhìn tổng quan và đánh giá chính xác tình hình trong nước và quốc tế để đưa ra các giải pháp ngoại giao hiệu quả.

Có nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp tìm đường giải phóng dân tộc Việt Nam, Giáo sư Im mới hiểu rằng tại sao người Việt Nam lại thành kính gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh với danh xưng trìu mến là Bác Hồ. Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sinh thời đã trở thành tấm gương không chỉ cho người dân Việt Nam khi Người luôn sống thanh đạm, đặt lợi ích của dân tộc Việt Nam lên trên hết, thể hiện sâu sắc nhất tinh thần nhân văn trong tư tưởng, lối sống.

leftcenterrightdel
Bác Hồ thăm và nói chuyện với một đơn vị bộ đội trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh: TTXVN) 

Giáo sư Im Jin-hô nhấn mạnh chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời luôn nhấn mạnh mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, lấy người dân làm trung tâm.

Tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của Người luôn đúng với mọi thời đại và đã giúp dân tộc Việt Nam tập hợp sức mạnh, thống nhất đất nước. Cốt lõi tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết toàn dân, tự do và hạnh phúc của người dân đã thể hiện tính nhân văn vô cùng sâu sắc và đây chính là bài học cho tất cả chúng ta, không phân biệt biên giới, quốc gia.

Giáo sư Im Jin-ho cho biết tại Hàn Quốc, đã có nhiều học giả nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua sưu tập các tài liệu từ tiếng Hán, ông nhận thấy còn rất nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được giới thiệu. Đặc biệt, những tác phẩm văn học do Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong thời gian Người hoạt động ở Trung Quốc mới được phát hiện sẽ là nguồn tư liệu quý cho những nghiên cứu về Hồ Chí Minh sau này.

Đặc biệt, để tuyên truyền và vận động dư luận trong nước và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất bản rất nhiều bài báo trong suốt thời gian hoạt động cách mạng. Các tài liệu này vô cùng đáng quý và chính vì thế ông đang tập hợp, dịch thuật để có thể xuất bản thành sách.

Cùng với đó, Giáo sư Im Jin-ho cũng đang dịch các cuốn sách đã xuất bản sang tiếng Hàn như “Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh” hay “Gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh"./.

Theo vietnamplus