|
|
Ông Joris Ivens và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1965. (Nguồn: ivens.nl) |
Ông Joris Ivens (1898 – 1989) là nhà làm phim Hà Lan, một nghệ sĩ điện ảnh lớn của thế giới vào thế kỷ 20 về loại phim phóng sự - tài liệu. Ông là cháu nội của nhà nhiếp ảnh Đức Wilhelm Ivens di cư sang Hà Lan và có bố là ông Kees Ivens kinh doanh ảnh, mở cửa hiệu ảnh đầu tiên ở Hà Lan trong chuỗi cung ứng ảnh CAPI.
Ông sinh ra ở Nijmegen, nơi được coi là vùng đất xưa nhất Hà Lan. Tên tuổi ông gắn liền với các bộ phim về cách mạng giải phóng dân tộc, về chiến tranh và hòa bình.
Tháng 6/1964 khi Mỹ lên kế hoạch ném bom ra miền Bắc, ông Joris Ivens lần đầu tiên đến Việt Nam theo lời mời của Chính phủ ta. Đúng một năm sau, vào tháng 6/1965 ông trở lại và lần đầu được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã nhận được tình cảm đặc biệt của người dân Việt Nam.
Trong thư đề ngày 20/6/1965 gửi về cho gia đình ờ Hà Lan, ông Joris Ivens đã viết:
“Hans thân mến,
Một chuyến đi khác, một đất nước khác, một dân tộc khác: mạnh mẽ, dũng cảm, quyết chiến và nồng hậu.
Ở đây có nhiều việc cho các nhà làm phim. Với kinh nghiệm của bản thân, tôi có thể giúp hoàn thành nhanh chóng. Như thể cơn gió lịch sử đã đưa tôi qua Tây Ban Nha, Trung Quốc, Mali, Cuba, rồi hạ cánh ở đây và cảm thấy như ở nhà.
Khách sạn Thống nhất, Hà Nội,
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”
Từ 1965 đến 1970, ông Joris Ivens đã làm 4 phim về Việt Nam, gồm Bầu trời và mặt đất (1965), Việt Nam xa xôi (1967), Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh nhân dân (1968), Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1970).
Các phim của ông đều chuyển tải tinh thần đoàn kết, cuộc đấu tranh chống thực dân, cuộc đấu tranh dũng cảm vì hoà bình, độc lập và thống nhất của Việt Nam. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông Joris Ivens là: “Người ta phải nhận ra rằng cuộc chiến thực dân lớn nhất mà loài người đã chứng kiến đang được tiến hành ở Việt Nam”.
|
|
Bức thư của ông Joris Ivens từ Việt Nam gửi về Hà Lan. (Ảnh: NVCC) |
Tháng 5/1967 khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens cùng vợ thăm Việt Nam, được gặp Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch.
Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Xuân Phượng (khi đó làm cho Xưởng phim Việt Nam, cũng được mời đến dự cuộc này), khi mọi người vào phòng khách, Bác Hồ nói: “Bác giới thiệu với các cháu đây là hai người bạn thân thiết của Bác, là những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng trên thế giới.
Ông Joris Ivens đã làm hàng chục phim tài liệu nói về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người bạn đời của ông - bà Marceline Loridan, là một phụ nữ Do Thái đã bị tập trung vào lò thiêu người Auschwitz của phátxít Đức. Chỉ còn 5 ngày nữa là đến lượt bà bị vào lò thiêu và rất may mắn là quân Đồng minh đã đến kịp giải phóng”.
Đây chính là cuộc gặp mở đầu cho chuyến đi làm phim đặc biệt mà có lúc các nhà làm phim Việt Nam và Hà Lan phải trú dưới hầm tránh bom ở Vĩnh Linh trong khoảng 2 tháng khi làm bộ phim “Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân”.
Bà Phượng còn nhớ ngày 16/6/1967, trước khi đoàn làm phim rời Hà Nội đi chặng đường khoảng 600 km vào giới tuyến, Bác Hồ căn dặn rất cẩn thận: “Đồng chí Ivens là bạn của Bác, là một chiến sĩ điện ảnh cách mạng quốc tế, rất có uy tín trên thế giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ đồng chí ấy. Những thước phim của Ivens sẽ có giá trị to lớn đối với quốc tế khi nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta”.
Bác Hồ còn nói riêng với bà Phượng rằng: “Cháu phải cố gắng bảo vệ sức khoẻ cho đồng chí Ivens, cho đoàn. Đi đến nơi, về đến chốn. Làm tốt, Bác sẽ thưởng”.
Ngày 6/3/1968, bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân được chiếu lần đầu ở Pháp và từ ngày 26/11/1968 được chiếu rộng rãi nhiều nơi trên thế giới, gây tiếng vang tiếp sau Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Sự kiện này góp phần buộc Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố không ra tái cử, đồng thời chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris từ đầu tháng 5/1968, ký kết Hiệp định Paris về khôi phục hoà bình ở Việt Nam, mở đường cho Việt Nam và nhiều nước thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó với Hà Lan chỉ hơn 2 tháng sau đó (9/4/1973). Đồng thời, dẫn đến kết thúc chiến tranh, mang lại hoà bình ở Việt Nam ngày 30/4/1975 như Bác Hồ và người bạn Hà Lan Joris Ivens cùng mơ ước và đấu tranh.
|
|
Ông Joris Ivens (giữa) cùng đoàn làm phim "Bầu trời và mặt đất" năm 1963. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng đứng thứ hai từ phải sang. (Nguồn: ivens.nl) |
Ngày 17/9/1990, Quỹ Joris Ivens châu Âu được thành lập với sự hiện diện của vợ ông - bà Marceline Lorida Ivens và đặt trụ sở tại quê ông ở Nijmegen để lưu trữ các tư liệu liên quan đến ông bà, quảng bá cho công chúng và là nơi để các nhà làm phim trao đổi dưới góc độ nhân văn, nhân đạo…
Ngày 19/10/2017, Viện Lưu trữ Joris Ivens và Ủy ban Y tế Hà Lan đã trao tặng Viện phim Việt Nam 33 phim tư liệu quý trong đó có bộ phim Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Joris Ivens, với sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đại sứ Hà Lan Nienke Trooster tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam-Hà Lan cùng nhiều bạn bè hai nước.
Ngày 22-23/11/2018 trong khuôn khổ năm kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam-Hà Lan (9/4/1973-2018), các cơ quan liên quan của Việt Nam và Hà Lan đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Joris Ivens và chiến tranh Việt Nam - Nhìn lại lịch sử cho một tương lai tốt đẹp hơn”.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9/2019 và 50 năm (1969-2019) thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, phim Đàm thoại với Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Joris Ivens đã được chiếu trên các kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam.
Năm 2020, Chủ tịch nước Việt Nam đã truy tặng Huân chương Hữu nghị cho nhà làm phim Hà Lan Joris Ivens nhờ nhiều bộ phim về Bác Hồ và chiến tranh Việt Nam khi Việt Nam kỷ niệm 130 năm sinh nhật Người (19/5/1890-19/5/2020).
|
|
Đại sứ Hà Huy Thông - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2006-2010), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Hà Lan, Ủy viên Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam (VPDF) đứng thứ 3 từ phải sang tại lễ trao tặng phim ngày 19/10/2017. (Ảnh: NVCC) |
Từ năm 1910- 1930, ông Joris Ivens tham gia làm các phim cùng gia đình. Từ năm 1947-1957, ông cùng nhiều đồng nghiệp khác làm bộ phim Bài hát trên những dòng sông (Song of the Rivers). Từ 1932-1934, ông làm phim Bài hát của các anh hùng (Song of the Heroes), Trái đất mới (New Earth), cộng tác với nhà văn Mỹ Enest Hemingway làm phim chống phát-xít như Trái đất Tây Ban Nha (Spanish Earth), phim 400 triệu (400 million)…
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế như: giải thưởng Hoà bình Thế giới (1955), giải thưởng Cành cọ vàng tại liên hoan phim ở Cannes (Pháp) cho phim Dòng sông Seine gặp Paris (The Seine Meets Paris, 1957), Giải thưởng quốc tế Lenin về khoa học và văn hoá (1967), giải thưởng Khăn vàng Hạng Nhất tại thi phim ở Hà Lan (1985), Giải thưởng Che Guevara ở Cuba (1987), giải thưởng Sư tử vàng ở Hà Lan (1988)…
Sau khi Joris Ivens mất (28/6/1989), vợ ông là bà Marceline Loridan được trao tặng giải Felix (được ví như giải Oscar của châu Âu cho phim Câu chuyện của gió (Tale of the Wind) mà hai vợ chồng cùng làm…
|
Theo baoquocte