Kết quả cuộc khảo sát do báo Dong-A (Hàn Quốc) thực hiện cho thấy 34,7% số người được hỏi khẳng định đã từng trải qua “hiện tượng kiệt sức.”
Trong số đó, những người ở độ tuổi 20 đến 39 tuổi (thế hệ MZ - là những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1981 đến năm 2010), chiếm tỷ lệ cao nhất (43,9%) xét theo nhóm tuổi. Tiếp đó là những người từ 40 đến 69 tuổi, chiếm 28,6%.
Cuộc khảo sát được tiến hành dựa trên nền tảng câu hỏi của SM C&C, với sự tham gia của 1.542 người Hàn Quốc trưởng thành (từ 20 đến 69 tuổi).
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện không xếp “Hội chứng kiệt sức” là “rối loạn tâm thần” mà chỉ đánh giá là “mối nguy hiểm tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe” vì những người mắc hội chứng này ở mức độ nặng cũng thường chỉ có các triệu chứng như lo lắng, mất ngủ, trầm cảm.
Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của “Hội chứng kiệt sức," có tới 44,9% người thuộc thế hệ MZ coi là một vấn đề nghiêm trọng, trong khi chỉ có 35,2% những người ở độ tuổi từ 40 đến 69 có quan điểm tương tự.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy người mắc “Hội chứng kiệt sức” thường sẽ kèm theo cảm xúc trốn tránh mạnh (43,4%), mệt mỏi và chán nản do công việc (43%), mệt mỏi sau khi làm việc xong (37,7%), nhạy cảm và dễ cáu gắt hơn (35,1%) và một vài triệu chứng khác.
Cụ thể, những người ở độ tuổi 20 gặp phải “Hội chứng kiệt sức” chủ yếu là do bị so sánh với những người khác (39,8%) và cầu toàn (35%). Trong khi những người được hỏi ở độ tuổi 30 cho biết lý do chủ yếu dẫn đến “trải nghiệm” này là do tham vọng của bản thân (35,5%).
Các chuyên gia Hàn Quốc chỉ ra rằng do thế hệ MZ ở nước này có sự cạnh tranh khốc liệt về giáo dục đại học và việc làm nên khiến họ dễ mắc “Hội chứng kiệt sức” hơn các nhóm tuổi khác.
Giáo sư chuyên ngành tâm thần học Ha Ji-hyeon thuộc Đại học Konkuk (Hàn Quốc) phân tích: “Trẻ em Hàn Quốc được bố mẹ cho học tiếng Anh ngay từ khi đi nhà trẻ với kỳ vọng sẽ sớm đạt được thành công. Do đó, ngay từ khi còn nhỏ, các em đã phải không ngừng nỗ lực để vươn lên. Tuy nhiên, đến khi trưởng thành và kể cả đã có được một công việc ổn định thì bản thân họ vẫn cảm thấy phần thưởng đạt được so với công sức bỏ ra chưa xứng đáng. Đây chính là lý do khiến họ dễ bị rơi vào trạng thái kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Ở Hàn Quốc, tình trạng kiệt sức nói trên hiện không chỉ là vấn đề đối với một tầng lớp hoặc nhóm tuổi cụ thể. Có tới 39% những người tham gia cuộc khảo sát này cho rằng tình trạng kiệt sức trong xã hội Hàn Quốc là nghiêm trọng và nguyên nhân chủ yếu là do làm việc quá sức (với 32,9%).
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người dân Hàn Quốc dành 7,8 giờ/ngày tại nơi làm việc. Số giờ làm việc trung bình hằng năm trong năm 2021 là 1.928 giờ, vượt xa mức trung bình của OECD là 1.500 giờ/năm. Trong đó, yếu tố “kỹ thuật số” đã trở thành một tác nhân khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày càng có nhiều người nhận được các cuộc gọi “công việc khẩn cấp” thông qua Internet và điện thoại thông minh ngay cả khi đã hết giờ làm việc hoặc trong kỳ nghỉ. Có thể dễ dàng nhận thấy khi ranh giới giữa công việc và thời gian nghỉ ngơi mờ đi thì sự mệt mỏi cũng tăng lên.
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát trên, không chỉ nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc phải làm việc ngoài giờ mà cả sinh viên đang tìm việc làm, những người làm nghề tự do, các hộ kinh doanh cá thể và người nội trợ cũng phàn nàn về “Hội chứng kiệt sức”./.
Theo TTXVN/Vietnam+