leftcenterrightdel
Nhiều nhân viên trẻ tuổi sợ bị ép tham gia tiệc nhậu sau giờ làm việc khi trở lại văn phòng. Ảnh: Ed Jones/AFP. 

Khi Hàn Quốc dỡ bỏ hầu hết hạn chế Covid-19 vào đầu tháng 4, Jang (29 tuổi), nhân viên văn phòng tại Seoul, lo lắng hơn là vui mừng.

Bởi lẽ sự kết thúc của giãn cách xã hội làm sống lại các bữa nhậu sau giờ làm việc, được gọi là “hoesik”.

Jang nằm trong số người trẻ coi đó là văn hóa công sở lỗi thời và xâm phạm thời gian riêng tư của nhân viên.

“Hoesik là một phần trong đời sống văn phòng, ngoại trừ việc không được trả lương. Phần tồi tệ nhất là không ai biết khi nào tiệc nhậu mới kết thúc”, cô nói.

Theo Reuters, ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc, đặc biệt là giới cổ cồn trắng, chán ngán tiệc tùng của công ty, thậm chí là chuyến nghỉ dưỡng hay đi bộ với đồng nghiệp vào cuối tuần.

Nhưng “hoesik” chưa phải là tất cả. Việc trở lại văn phòng còn là nỗi ám ảnh với nhiều người trong bối cảnh bữa trưa ngày càng đắt đỏ và nạn chèn ép, quấy rối cấp dưới (gapjil) gia tăng.

Vật lộn trong bão giá

Đối với Kim Sang-ji (28 tuổi), nhân viên công ty thương mại ở Seoul, bữa trưa lành mạnh là lựa chọn quen thuộc cho đến gần đây. Cô phải đến cửa hàng tiện lợi mua cơm hộp 5.000 won (3,80 USD) hoặc gimbap (cơm cuộn rong biển) giá 2.000 won dù không hài lòng.

Khi nghĩ về chi phí ăn uống leo thang hiện nay, đặc biệt ở khu thương mại Gwanghwamun nơi mình làm việc, Kim quyết định “thắt lưng buộc bụng” vì lương không thay đổi.

“Ngày càng nhiều nhà hàng tăng giá nên mỗi bữa trưa tôi phải chi thêm 10.000-15.000 won. Ngay cả dịch vụ ship đồ cũng tốn kém hơn vì phí giao hàng đang tăng lên”, cô nói.

Kim là một trong số công nhân cổ trắng trở lại văn phòng sau 2 năm làm việc từ xa chỉ để sốt ruột khi hóa đơn bữa trưa tăng mạnh so với trước dịch, theo The Korea Herald.

Trong báo cáo định kỳ 6 tháng về lạm phát, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự kiến giá tiêu dùng tăng vọt 4,5% trong năm nay. Có khả năng mức tăng này sẽ vượt 4,7% của năm 2008.

leftcenterrightdel
Nhân viên văn phòng ăn trưa tại cửa hàng tiện lợi ở Seoul, Hàn Quốc hôm 24/6. Ảnh: Heo Ran/Reuters. 

Nhắm mục tiêu đến những người gặp phải tình trạng “lạm phát bữa trưa”, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đang cung cấp bữa ăn đa dạng hơn, ngoài cơm nắm hoặc mì cốc. Một số thậm chí hồi sinh các bữa ăn bình dân, vốn được thay thế bằng thực phẩm đắt đỏ hơn trong vài năm qua.

Mặc dù suất ăn sẵn giá rẻ, một số nhân viên văn phòng có cảm xúc lẫn lộn khi mua bữa trưa ở cửa hàng tiện lợi.

“Thật nhẹ nhõm khi vẫn có thể tìm được bữa ăn hợp túi tiền, nhưng tôi cũng cảm thấy bực bội. Trong điều kiện ngân sách eo hẹp, tôi phải cắt giảm hầu hết khoản chi tiêu, kể cả một bữa ăn tươm tất”, Kim nói.

Song (28 tuổi), nhân viên văn phòng, cho biết: “Tôi lo rằng phụ thuộc quá nhiều vào cơm hộp có thể dẫn đến chế độ ăn uống không cân bằng. Một khi giá cả giảm, tôi sẽ không bao giờ mua chúng nữa”.

Trong khi đó, nhiều người tự nấu cơm trưa hoặc hạn chế tụ tập bạn bè để ứng phó với bão giá.

Shin (28 tuổi), nhân viên văn phòng, cho biết: “Tôi có thể tiết kiệm 3.000-5.000 won (2,31-3,85 USD) mỗi lần tự làm cơm trưa so với ăn hàng”.

Khi phải đi ăn bên ngoài, Park (26 tuổi), giáo viên, đảm bảo mỗi bữa đều phù hợp với túi tiền. Trong trường hợp khác, cô cố gắng không hẹn gặp bạn bè hoặc đồng nghiệp.

Baek (30 tuổi), nói: “Tôi không biết mình có thể chịu đựng bão giá trong bao lâu. Tôi không có quyền lựa chọn. Tôi phải làm việc để chi tiêu ít hơn”.

Bóng ma quấy rối nơi công sở

 Khi nhiều người trở lại văn phòng, “gapjil”, hành vi lạm dụng của cấp trên đối với nhân viên, cũng gia tăng, theo Korea Bizwire.

Theo cuộc khảo sát của Embrain Public, được thực hiện từ ngày 10 đến 16/6 trên 1.000 nhân viên văn phòng từ 19 tuổi trở lên, 29,6% cho biết họ trải qua một số hình thức quấy rối tại nơi làm việc trong năm qua, bao gồm lạm dụng, bắt nạt bằng lời nói hoặc thể chất.

Trong số này, 39,5% đánh giá mức độ bị lạm dụng là “nghiêm trọng”; 11,5% có ý định tự tử; 67,6% không dám phản kháng trong khi 25,3% khiếu nại và 23,6% bỏ việc.

Các đối tượng khảo sát cho biết việc chống lại hành vi quấy rối sẽ không cải thiện được tình hình. Họ cũng sợ bị trả thù.

Theo nhóm ngành, 34,2% nhân viên ngành dịch vụ bị lạm dụng. Bên cạnh đó, lao động nữ dễ bị tổn thương hơn so với nam giới. Người làm part-time cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn nhân sự chính thức.

Hàn Quốc ban hành luật chống bắt nạt tại nơi làm việc nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng chốn công sở vào tháng 9/2019.

leftcenterrightdel
Nỗi sợ bị cấp trên quấy rối cũng trở lại khi nhân viên đi làm tại văn phòng sau 2 năm. Ảnh: Ed Jones/AFP. 

Các chuyên gia cũng cho biết Covid-19 có thể làm dịu bớt nhưng không thể xóa sổ văn hóa công sở độc hại khác là “hoesik”.

Theo cuộc khảo sát vào tháng 4 của Incruit Corp, gần 80% người được hỏi cho biết văn hóa tụ tập ăn uống của công ty họ đã thay đổi trong dịch. 95% trong số đó hài lòng về điều này.

Kim Woon-bong (30 tuổi) cảm thấy may mắn khi không phải tham gia các sự kiện “hoesik” bắt buộc nhờ giãn cách xã hội. “Tôi thích tụ tập vào bữa trưa hơn vì chúng sẽ kết thúc lúc 13h. Tôi hy vọng văn hóa nhậu nhẹt buổi tối của công ty sẽ thay đổi sau 2 năm”.

Trong khi nhiều công ty đang dần quay trở lại văn phòng, một số lại tìm kiếm sự cân bằng giữa làm việc trực tiếp và từ xa.

“Chúng tôi không có hướng dẫn cụ thể về các bữa tiệc sau giờ làm việc nhưng chúng sẽ ít được tổ chức hơn khi nhiều nhân viên làm việc tại nhà. Điều cốt yếu là chúng tôi không bận tâm nhân viên làm việc ở đâu hay tần suất đến văn phòng thế nào. Miễn là điều đó cải thiện năng suất của họ”, một lãnh đạo của công ty SK Telecom Co Ltd cho biết.

Theo zingnews