Tại Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Trị, các em tham gia thảo luận và giải quyết các tình huống với nội dung xung quanh 4 nhóm quyền của trẻ em. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

 

Nhằm phát huy quyền của trẻ em, lắng nghe tiếng nói của trẻ, Hội đồng trẻ em ra đời và đi vào hoạt động. Sau ba năm triển khai, mô hình đã tạo ra một diễn đàn để trẻ em bày tỏ quan điểm, nguyện vọng; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

Giúp trẻ tự tin bày tỏ nguyện vọng riêng

Hội đồng trẻ em là một trong 5 mô hình ra đời để thực hiện Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 3/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020. Mô hình do Hội đồng Đội Trung ương xây dựng và triển khai thí điểm theo quy mô cấp tỉnh trong giai đoạn 2017-2020.

Đặc biệt, Hội đồng trẻ em là mô hình do chính trẻ em trực tiếp điều hành. Đây là nhóm đại diện cho trẻ em để định kỳ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, trao đổi, đối thoại với đại diện Hội đồng Nhân dân các cấp về những vấn đề liên quan đến trẻ em tại mỗi địa phương.

Ban đầu, từ đăng ký của các địa phương và nghiên cứu thực tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã lựa chọn 5 tỉnh, thành phố: Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai thí điểm. Đến nay, cả nước đã thành lập được 14 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh và 17 hội đồng cấp huyện.

Với hai kỳ họp diễn ra định kỳ hàng năm, đến nay, Hội đồng trẻ em các cấp đã tổ chức được 68 kỳ họp với hơn 1.000 lượt thiếu nhi tham gia. Để lấy được ý kiến của nhiều trẻ em, một số tỉnh, thành phố đã tổ chức cho các thành viên Hội đồng tiếp xúc với trẻ em tại địa phương nhằm nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi tới các kỳ họp của hội đồng. Ví dụ như Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Yên Bái đã tổ chức cho các thành viên Hội đồng trẻ em tham gia hai đợt tình nguyện tại huyện Mù Cang Chải, tiếp xúc, tổng hợp được hơn 40 ý kiến của trẻ em vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh các kỳ họp định kỳ, nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức hội nghị, gặp mặt, đối thoại trực tiếp giữa Hội đồng trẻ em với lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, tạo cơ hội cho các em trực tiếp đề xuất các ý kiến, kiến nghị tới các lãnh đạo. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng trẻ em, các cấp bộ Đoàn đã tổng hợp, gửi hơn 12.000 ý kiến của trẻ em tới các cấp lãnh đạo địa phương; hơn 1.000 ý kiến được gửi tới các cơ quan có liên quan đề nghị xem xét, giải quyết.

Theo Hội đồng Đội Trung ương, ý kiến, kiến nghị của các em đều được các sở, ngành, tổ chức liên quan kịp thời trả lời và giải đáp thỏa đáng. Một số ý kiến, kiến nghị về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em được các tỉnh, thành phố tham mưu cho đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh có văn bản giao cho các sở ngành, các tổ chức đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ quan tâm giải quyết.

Đơn cử, sau buổi gặp mặt, đối thoại giữa đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Bình năm 2020, đoàn đại biểu Quốc hội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao quan tâm giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em.

Đó là việc xây dựng sân chơi, tổ chức lấy ý kiến trẻ em; tiếp nhận các ý kiến, phản biện của trẻ đối với chính sách phát triển kinh tế-xã hội liên quan đến trẻ em; xây dựng bể bơi, khu vui chơi công cộng, khu thể thao chức năng cho trẻ em…

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương khẳng định, việc xây dựng điểm mô hình Hội đồng trẻ em là chủ trương đúng, trúng và đã phát huy hiệu quả trên thực tế.

Ban đầu chỉ chọn thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố nhưng hiện đã có tới 14 tỉnh, thành phố có Hội đồng trẻ em, kết quả này vượt gần 3 lần so với mục tiêu ban đầu.

Hội đồng trẻ em là diễn đàn thực sự hiệu quả để các em lên tiếng, gửi gắm nguyện vọng về các vấn đề của chính các em, giúp các cấp bộ, ban ngành, chính quyền địa phương… đề ra các quyết sách xác thực, chính đáng, giải quyết vấn đề một cách chặt chẽ, căn cơ, gọn ghẽ hơn.

Nâng cao năng lực

Nhằm góp phần nâng cao năng lực cho các em là thành viên Hội đồng trẻ em, trong thời gian qua, Hội đồng Đội Trung ương đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các em.

Bên cạnh đó, hàng năm, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp với các ban ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và các thành viên trong Ban tham vấn.

Ngày 20/1/2021, Tỉnh đoàn Kon Tum tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại giữa Hội đồng Nhân dân tỉnh với Hội đồng trẻ em năm 2021. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)

 

Trong đó, Hà Nội tổ chức được 4 lớp tập huấn (gắn với các kỳ họp định kỳ của Hội đồng trẻ em) với các chuyên đề: Kỹ năng mềm, kỹ năng thuyết trình, tổng hợp ý kiến cho các thành viên Hội đồng trẻ em, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em.

Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Sổ tay các kỳ họp lần thứ I, II, III, IV Hội đồng trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó thông tin về tình hình hoạt động của trẻ em; quyền và bổn phận của trẻ em, các kỹ năng giúp trẻ tránh bị xâm hại trong thang máy; các kỹ năng bỏ túi...

Đà Nẵng tổ chức ba lớp tập huấn kỹ năng điều hành, kỹ năng phát biểu tại các kỳ họp, tổ chức chuyên đề “Chúng em là đại biểu Hội đồng trẻ em.” Lai Châu, Hà Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum phối hợp với Tổ chức Plan vùng tập huấn nâng cao năng lực cho các thành viên Hội đồng trẻ em và giảng viên nguồn về xây dựng, vận hành mô hình...

Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương, Hội đồng trẻ em là môi trường ươm mầm, đào tạo lãnh đạo trẻ cho tương lai, giúp các em đoàn kết, tự tin, trao đổi, học tập lẫn nhau, nâng cao các kỹ năng, phương pháp hoàn thiện bản thân…

Dù đây là mô hình khó, mới nhưng các tỉnh, thành phố đã nỗ lực thực hiện, phát triển, tạo ra nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực… bước đầu cho thấy hiệu quả tốt. Một số địa phương qua theo dõi, nắm bắt nhận thấy tính hiệu quả của mô hình đã và đang tích cực triển khai xây dựng đề án thành lập Hội đồng trẻ em tại địa phương.

Trong thời gian tới, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, các tỉnh, thành đã triển khai mô hình cần tiếp tục củng cố, kiện toàn thành viên, tập trung vào các nội dung chuyên sâu, chuyên đề, những vấn đề nóng, được trẻ em quan tâm; chuyển giao những mô hình tốt từ cấp tỉnh xuống cơ sở.

Những tỉnh, thành chưa thành lập Hội đồng trẻ em cần tiếp tục phát huy các mô hình, thiết chế hỗ trợ trẻ em; nghiên cứu những mô hình thực sự hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương để đề xuất thành lập, áp dụng.

Sau 3 năm triển khai, mô hình Hội đồng trẻ em được đánh giá đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

Mô hình này cũng tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em phát huy quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến mình; phát huy tốt vai trò cầu nối giúp các cấp, ngành nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng, kiến nghị của trẻ em.

Có thể nói, Hội đồng trẻ em đã trở thành kênh huy động sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; cầu nối thiết thực để các cấp ủy đảng, chính quyền, bộ ngành xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến trẻ em...

Theo Vietnamplus