Trong khuôn khổ “Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4,” chiều 22/8, tại Thủ đô Hà Nội, diễn ra song song các phiên chuyên đề.
Tại 2 phiên chuyên đề: “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam” và “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước,” các chuyên gia, trí thức kiều bào nhận định Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch và cần chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói.
Cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp vi mạch
Phiên chuyên đề “Kiều bào với sự phát triển công nghệ cao của Việt Nam” gồm 2 chủ đề: “Vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam” và “Vai trò của kiều bào đối với sự phát triển ngành trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam” đã trở thành cầu nối quan trọng giữa cộng đồng kiều bào và đại diện doanh nghiệp trong nước với nhiều giải pháp thiết thực trong phát triển kinh tế-xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành bán dẫn tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc)…, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh (kiều bào Nhật Bản), Chuyên gia phát triển sản phẩm bán dẫn thuộc Tập đoàn Samsung, cho rằng ngành công nghiệp vi mạch toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do dịch chuyển công nghiệp, căng thẳng địa chính trị và sự tập trung của chuỗi cung ứng tại một số khu vực cụ thể.
Theo ông Mai Khanh, tại Việt Nam, ngành công nghiệp vi mạch hiện dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp này.
Kiến nghị một số đề xuất để phát triển ngành này tại Việt Nam, kiều bào Nhật Bản nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực. Theo đó cần tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về ngành này; thành lập các trung tâm đào tạo chuyên sâu; có chính sách thu hút và giữ chân nhân tài...
Cùng với đó, kiều bào Nhật Bản đề xuất tập trung vào khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử; đầu tư vào thiết kế vi mạch Analog và high-speed (lĩnh vực phù hợp với năng lực và sự sáng tạo của giới trẻ, sinh viên Việt Nam, đặc biệt liên quan đến môn Toán, Lý); hỗ trợ bản quyền và sở hữu trí tuệ và hợp tác đồng bộ giữa các tập đoàn công nghệ và viện-trường đại học...
“Cần đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở nghiên cứu và sản xuất, đồng thời chú trọng đến việc phát triển công nghệ mới và ứng dụng trong thực tế. Cùng với áp dụng bài học từ các quốc gia tiên tiến và mô hình đã thành công, đặc biệt chú trọng chia sẻ tài nguyên vi mạch và giữ chân nhân tài, từ đó giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc và thúc đẩy phát triển bền vững trong lĩnh vực này,” kiều bào Nguyễn Ngọc Mai Khanh nêu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Vân Anh, kiều bào Nhật Bản, Trợ lý Giáo sư Đại học Tohoku của Nhật Bản, cho biết Việt Nam gần như đang ở khâu R&D (mức độ sơ khai), song có tiềm năng phát triển tốt khâu thiết kế chip và có tiềm năng trong việc cung cấp vật liệu đất hiếm. Tuy nhiên Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng; chuẩn bị chuỗi cung ứng phù hợp và nguồn nhân lực tốt.
“Nếu Việt Nam ký kết các biên bản ghi nhớ với Nhật Bản, sinh viên Việt Nam có thể đến học hỏi và nghiên cứu tại các trường học hoặc công ty tại Nhật Bản; từ đó phát huy được các thế mạnh đáng quý,” bà Nguyễn Thị Vân Anh gợi mở.
Về một số giải pháp phát triển ngành Công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của Việt Nam, song song với chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, kiều bào Nhật Bản cho rằng trên thực tế, việc xây dựng và vận hành một trung tâm sản xuất chip bán dẫn theo tiêu chuẩn thế giới sẽ tốn một số tiền không nhỏ. Vì vậy cần phải "xem xét thấu đáo" việc phân bổ ngân sách hợp lý nếu muốn xây dựng các trung tâm hay phòng thí nghiệm có thể sản xuất chip bán dẫn.
Để tận dụng tối đa tiềm năng của các công nghệ mới, tại phiên họp, các đại biểu kiều bào cho rằng, cần có sự đầu tư liên tục vào nghiên cứu và phát triển; có các chính sách rõ ràng và quy định phù hợp để tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực…
Sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư từ lĩnh vực đóng gói chip Chia sẻ về ngành Công nghiệp đóng gói và kiểm thử, ông Dương Minh Tiến (kiều bào Hàn Quốc) cho rằng Việt Nam được đánh giá là nơi thu hút đầu tư cho lĩnh vực đóng gói chip nên cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để đón nhận làn sóng đầu tư của lĩnh vực đóng gói trong 5-10 năm nữa.
"Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút thành công các công ty điện tử lớn đầu tư vào đóng gói chip và substrate (chất nền-bóng lưới chip bán dẫn), cụ thể như Intel, Samsung, Amkor, Hana Micron... Đây cũng là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm cho nhân lực Việt Nam trong ngành sản xuất chip cũng như phát triển các nhà cung cấp tại địa phương," ông Dương Minh Tiến nêu.
Theo kiều bào Hàn Quốc, Việt Nam nên tận dụng một số lợi thế đặc biệt để đa dạng thu hút đầu tư. Ngoài ra, vị trí địa lý gần “thung lũng silicon của Trung Quốc (Quảng Châu-Thẩm Quyến-Đông Hoản), rất phù hợp cho chiến lược China+1 của các công ty lớn trong giảm rủi ro về địa chính trị và chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều hiệp định thương mại tự do và Đối tác Chiến lược với các cường quốc công nghệ để hàng hóa Việt Nam được ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang các thị trường lớn; tận dụng cơ hội này để giảm bớt thủ tục hành chính, phân quyền cho cơ sở để sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp lớn trở nên thuận lợi hơn.
“Cùng với đó, Việt Nam cần đảm bảo an ninh năng lượng, năng lực tiếng Anh cho sinh viên và ưu tiên chuẩn bị cho làn sóng đầu tư của substrate và advance packaging (đóng gói tiên tiến) trong tương lai,” ông Dương Minh Tiến đề xuất.
Tại phiên chuyên đề “Doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào đồng hành cùng đất nước,” các bài phát biểu và tham luận tập trung vào việc phát huy nguồn lực kiều bào để thúc đẩy phát triển đất nước, đưa hàng Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các kênh thương mại, đầu tư và kết nối của doanh nhân kiều bào. Các đại biểu đã đưa ra kiến nghị và giải pháp đối với phát triển kinh tế đất nước trong tình hình mới.
Ông Hồ Văn Lâm, kiều bào Thái Lan chia sẻ về vai trò cầu nối thương mại Thái Lan-Việt Nam với các hoạt động xúc tiến hợp tác, trao đổi thương mại, xuất khẩu hàng hóa…
Đề xuất một số kiến nghị về chiến lược và giải pháp trong việc xúc tiến thương mại hàng Việt Nam ở nước ngoài và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam tại Thái Lan, kiều bào Hồ Văn Lâm mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thúc đẩy đàm phán thương mại song phương và đa phương với các thị trường tiềm năng để mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam.
Cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; đầu tư vào bảo quản và chế biến biến nông sản; cung cấp thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt kiều, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam…/.