Ảnh minh họa: internet
Đây là nhận định được đưa ra tại buổi Hội thảo giới thiệu bộ quy tắc thực hành về thúc đẩy bình đẳng và ngăn ngừa phân biệt đối xử tại nơi làm việc tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 22/10 tại Hà Nội.
Bộ quy tắc thực hành hướng dẫn những khái niệm về bình đẳng tại nơi làm việc, bình đẳng trong tuyển dụng, bình đẳng trong sử dụng lao động và hoạt động kinh doanh, các công cụ thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc...
Bộ quy tắc cũng phân tích cụ thể các tình huống bình đẳng và phân biệt đối xử trong các quyết định liên quan đến tuyển dụng, đào tạo nhân viên, đề bạt, cắt giảm nhân sự, hoạt động kinh doanh...
Cùng với Việt Nam, tất cả các thành viên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều là thành viên của ILO. Trong TPP, các thành viên đã đồng ý thông qua và duy trì trong luật cũng như thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động, trong đó có loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Bộ quy tắc hướng dẫn là một cơ chế tự nguyện nhằm giúp doanh nghiệp xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng, không phân biệt đối xử để tăng năng suất lao động. Bộ quy tắc này là những thông tin thực tiễn, hướng dẫn pháp lý, những kinh nghiệm tốt nhất để VCCI hướng dẫn, tuyên truyền đến các doanh nghiệp.
Việc lồng ghép bộ quy tắc vào việc quản lý sẽ góp phần tuân thủ pháp luật và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Đó là những lợi ích về cải thiện khả năng thu hút những lao động tài năng và có tay nghề; tăng khả năng giữ chân người lao động; tăng sự hài lòng của lực lượng lao động và giảm thay thế lao động.
Ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng có thể làm tăng năng suất, đổi mới và sáng tạo trong doanh nghiệp, mở ra cơ hội tiếp cận với phân khúc thị trường mới và cải thiện hình ảnh thương hiệu, danh tiếng của doanh nghiệp.
Bộ quy tắc gồm bốn tài liệu hướng dẫn thực hành, tập trung vào các nội dung: Những lý do doanh nghiệp cần quan tâm đến bình đẳng tại nơi làm việc; các công cụ thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc; thúc đẩy bình đẳng trong thực hành tuyển dụng; thúc đẩy bình đẳng trong sử dụng lao động và hoạt động kinh doanh.
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI cho biết, từ năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn công ước số 111 của ILO về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp và công ước số 100 về trả công bình đẳng.
Đến nay, Việt Nam đã quy định về quyền bình đẳng của mọi công dân trong Hiến pháp và cấm phân biệt đối xử trong Bộ luật Lao động năm 2012. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban Nghị định số 55/2009/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bình đẳng giới từ 200.000 đồng đến 40 triệu đồng.
Ông Huy hy vọng, bộ quy tắc thực hành về bình đẳng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho người sử dụng lao động. Với sự hỗ trợ của ILO, VCCI đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn này với mong muốn giúp doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh của mình thông qua thúc đẩy bình đẳng tại nơi làm việc.
Theo baochinhphu.vn