Điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua?
Khoảng 108 triệu dân ở khu vực đông bắc Trung Quốc đang bị phong tỏa trở lại khi số ca mắc mới không ngừng gia tăng, đe dọa làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 2.
|
Trung Quốc đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh lần thứ 2. Ảnh: Reuters |
Trong một động thái đi ngược với xu hướng mở cửa trở lại trên khắp Trung Quốc, các thành phố ở tỉnh Cát Lâm đã tạm dừng các chuyến tàu và xe bus, đóng cửa các trường học, cũng như cách ly hàng chục nghìn người. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã dập tắt hy vọng của nhiều người dân Trung Quốc khi cho rằng điều tồi tệ nhất trong đại dịch Covid-19 ở quốc gia này đã đi qua.
Mọi người "đang cảm thấy thận trọng trở lại", Fan Pai, nhân viên tại một công ty thương mại ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh - khu vực cũng đang đối mặt với việc nối lại các quy định phong tỏa cho biết.
"Trẻ em chơi đùa ngoài trời phải đeo khẩu trang trở lại và các nhân viên y tế phải mặc các bộ đồ bảo hộ. Thật tuyệt vọng bởi bạn không biết khi nào điều này sẽ kết thúc", Fan Pai chia sẻ.
Mặc dù ổ dịch Covid-19 với 34 ca mắc mới không phát triển nhanh như đợt bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán vào cuối tháng 12 năm ngoái nhưng sự phản ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy nỗi lo sợ của quốc gia này trước làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 2 sau khi phải kiềm chế sự lan rộng của dịch Covid-19 bằng cái giá rất đắt về kinh tế và xã hội. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy quá trình mở cửa trở lại sẽ bấp bênh như thế nào tại Trung Quốc và những nơi khác bởi dù xuất hiện những dấu hiệu nhỏ nhất của việc tái bùng phát các ca nhiễm thì những khu vực này cũng buộc phải quay trở lại lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Chính quyền thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm nhận định trên WeChat hôm 18/5 rằng thành phố này sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt nhất nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Các tòa nhà có người mắc Covid-19 hoặc nghi mắc Covid-19 sẽ bị phong tỏa và chỉ có 1 người trong mỗi gia đình được phép rời nhà mua các nhu yếu phẩm trong 2 tiếng với 2 ngày/lần.
Shen Jia, một nhân viên bán hàng tại Thẩm Dương đã hủy bỏ chuyến công tác 3 ngày tới thành phố Cát Lâm tuần trước bởi nếu không, anh sẽ bị cách ly 21 ngày khi quay trở về.
"Bạn có thể cảm thấy lệnh kiểm soát ngày càng nghiêm ngặt. Mọi người đang cẩn thận hơn và giảm các hoạt động ngoài trời".
“Sức ép kép” của Trung Quốc trước đại dịch Covid-19
Cảm giác "deja vu" (đã từng xảy ra – ND) dường như đang ngày càng được cảm nhận rõ rệt tại thành phố Cát Lâm, nơi hiện đang phải thực hiện lệnh phong tỏa từng diễn ra ở hầu hết các địa phương ở Trung Quốc hồi tháng 2 và tháng 3, bất chấp việc số ca mắc hàng ngày chỉ ở mức 1 con số. Số ca mắc ở tỉnh Cát Lâm hiện nay là khoảng 127 trong khi tỉnh Hồ Bắc trước đó ghi nhận khoảng 68.000 ca.
Dù vậy, tại Cát Lâm, các dịch vụ chuyển phát hầu như đều dừng lại trong khi các loại thuốc hạ sốt đã bị cấm bán tại các cửa hàng thuốc nhằm ngăn chặn tình trạng mọi người che giấu triệu chứng mắc bệnh. Sự căng thẳng trước dịch bệnh cũng lan rộng sang các khu vực xung quanh, thậm chí cả ở những nơi chưa có ca mắc mới nào được ghi nhận.
"Mọi người đều bồn chồn lo sợ. Tôi chưa bao giờ nghĩ tỉnh Cát Lâm lại là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh khi cả nước quay trở lại cuộc sống bình thường", nhân viên một nhà máy dược phẩm tại thành phố Đồng Thoại, tỉnh Cát Lâm cho biết.
Sau khi đối mặt với sự chỉ trích trên toàn cầu vì đã phản ứng chậm trước đợt bùng phát dịch bệnh tại Vũ Hán, chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện những bước đi rõ rệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 tại khu vực Đông Bắc.
Các nhà chức trách y tế vẫn chưa biết các ca mắc Covid-19 mới đã bùng phát như thế nào song nghi ngờ rằng các bệnh nhân có thể đã tiếp xúc với những người mắc bệnh quay trở về từ Nga - hiện đã là ổ dịch lớn nhất châu Âu.
"Các ca nhập khẩu từ nước ngoài và những ca bệnh trong nước đã tạo nên "sức ép kép" với chúng tôi trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus”, Wang Bin - một quan chức thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết.
Các ca mắc mới giống như một lời nhắc nhở rằng nhiều khu vực ở Trung Quốc vẫn rất dễ tổn thương trước virus SARS-CoV-2 bởi làn sóng bùng phát dịch bệnh lần đầu tiên chủ yếu chỉ diễn ra ở tỉnh Hồ Bắc với lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực này hồi tháng 1.
"Phần lớn người dân Trung Quốc ở thời điểm này vẫn dễ mắc Covid-19 bởi thiếu miễn dịch cộng đồng", ông Chung Nam Sơn - nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc nhận định với CNN cuối tuần trước, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đang đối mặt với "thách thức lớn" và tình hình ở nước này "không tốt hơn so với các quốc gia khác là bao"./.
Theo VOV