Giám đốc điều hành của UN-Women Phumzile Mlambo-Ngcuka (giữa) cùng các đại biểu trong buổi công bố báo cáo

Báo cáo của UN Women đề cập tới việc, các gia đình cần tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ được xem là yếu tố trung tâm.

Chỉ 38% gia đình là các cặp vợ chồng sống cùng con cái

Theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka - Giám đốc điều hành của UN Women, không có tổ chức nào có ý nghĩa phổ quát đối với mỗi chúng ta hơn gia đình. Gia đình là nơi chan chứa tình yêu, nơi chúng ta có thể được hỗ trợ và nuôi dưỡng, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời. Gia đình cũng là nơi chúng ta có thể sinh và nuôi nấng các con, chăm sóc những người thân... Gia đình có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền văn hóa - kinh tế của chúng ta.

Bà Phumzile đưa ra thông điệp rằng, các gia đình, trong tất cả sự đa dạng của họ, có thể là động lực quan trọng của bình đẳng giới và thịnh vượng nhưng các chính sách phải đi liền với quyền của phụ nữ.

Báo cáo của UN Women nhấn mạnh sự đa dạng của các gia đình trên khắp thế giới và đưa ra các khuyến nghị mạnh mẽ để bảo đảm rằng luật pháp và chính sách hỗ trợ gia đình ngày nay đáp ứng nhu cầu của tất cả các thành viên, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Trong số các xu hướng dễ nhận thấy là tuổi kết hôn đã tăng lên ở tất cả các khu vực, trong khi tỷ lệ sinh giảm và phụ nữ được hưởng quyền tự chủ kinh tế lớn hơn. Chỉ hơn 1/3 số hộ gia đình (38%) là các cặp vợ chồng sống cùng con cái; 27% là gia đình mở rộng (vợ chồng sống cùng người thân). Các gia đình đồng giới, gia đình đa văn hóa đang dần xuất hiện nhiều hơn ở tất cả các khu vực.

Một người mẹ đơn thân đưa con đi học

Vấn đề gia đình đơn thân hiện nay là một trong những đề tài được dư luận cũng như các nhà nghiên cứu xã hội đặc biệt quan tâm vì có khá nhiều người trẻ lựa chọn việc sống độc thân hoặc một mình nuôi con thay vì kết hôn. Ngoài ra, phần lớn các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ, chiếm 8% số hộ gia đình, do phụ nữ quản lý. Họ thường dung hòa công việc được trả lương, nuôi con và làm việc nhà không lương. 
 
Hiện có ít nhất 101 triệu phụ nữ trên thế giới đang nuôi con một mình. Những người phụ nữ này có khả năng sống trong nghèo đói gấp đôi so với gia đình có đầy đủ cả vợ chồng. Do vậy, các nước cần có chính sách cụ thể như dịch vụ chăm sóc trẻ em chất lượng cao, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng; chế độ lương hưu phổ thông để sau một đời nuôi dạy thế hệ tiếp theo và việc làm được trả lương thấp, những người mẹ đơn thân có khả năng nghỉ hưu đàng hoàng hơn. Những chính sách này tốt cho tất cả phụ nữ và gia đình nhưng chúng đặc biệt quan trọng đối với các mẹ đơn thân.

Một cặp đôi đồng tính người Campuchia

 

Mặt khác, một gói chính sách thân thiện với gia đình, bao gồm lợi ích gia đình, lương hưu, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ tiết kiệm được chi phí hơn 5% GDP mỗi nước. Gói chính sách như vậy sẽ mang lại lợi ích to lớn về quyền phụ nữ, thúc đẩy phát triển trẻ em cũng như tạo việc làm đáng kể thông qua lĩnh vực chăm sóc.
 
137 phụ nữ bị người thân sát hại mỗi ngày

Báo cáo cũng cho thấy các gia đình có thể tạo ra xung đột, bất bình đẳng và rất thường xuyên gây ra bạo lực. Thậm chí ngày nay, 3 tỷ phụ nữ và trẻ em gái sống ở các quốc gia, nơi hãm hiếp trong các cặp vợ chồng không được coi là một hành vi phạm tội.
Mỗi ngày trôi qua, hơn 137 phụ nữ bị sát hại bởi chính những người thân trong gia đình mình. "Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái đang được coi như một đại dịch toàn cầu lây lan khắp mọi nơi. Chúng ta cần hành động, cho đến khi ít nhất một nửa dân số trên thế giới này không còn sống trong sợ hãi, bạo lực và cuộc sống bấp bênh hàng ngày, chúng ta mới có thể thực sự nói rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới công bằng và bình đẳng", Tổng Thư ký LHQ António Guterres nói.
 
Trên toàn cầu, chỉ hơn 50% số phụ nữ kết hôn ở độ tuổi 25 - 54 tham gia lực lượng lao động, so với 96% nam giới. Một trong những yếu tố chính duy trì sự bất bình đẳng này là phụ nữ tiếp tục chăm sóc và làm việc nhà nhiều gấp 3 lần so với nam giới, khi những người khác không thể chăm sóc và làm việc như vậy với chi phí tương đương.

Tỷ lệ ly hôn tăng

Tỷ lệ ly hôn càng ngày càng gia tăng và người yêu cầu ly hôn trước là phụ nữ. Theo thống kê có khoảng 70% đơn ly hôn do phụ nữ đứng tên. Sự chịu đựng trong một thời gian dài và quan niệm dễ cưới, dễ bỏ khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao.

“Ly hôn xanh” cũng khá phổ biến trong nhiều cặp đôi trẻ. Thiếu những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống hôn nhân, yêu sớm, cưới vội cũng là một nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của tỷ lệ này. Những người càng có trình độ học vấn cao thì càng coi chuyện ly dị là bình thường.

Chính bình đẳng giới đã đem lại sự chủ động, độc lập về kinh tế, cũng như sự đòi hỏi đáp ứng nhu cầu cá nhân ngày càng cao khiến con người không dễ chấp nhận hoặc cam chịu dẫn đến tỷ lệ ly hôn ở các gia đình ngày càng tăng.

Sự đa dạng các hình thái gia đình
Bên cạnh đó, báo cáo cũng tập trung vào những thách thức mà phụ nữ và gia đình họ phải đối mặt khi di cư. Sự hiện diện của các quy định không công bằng dẫn đến việc một số gia đình không được quyền thống nhất và thường không thể hưởng lợi từ các dịch vụ công cộng. Khi đó, những người phụ nữ thường gặp nhiều khó khăn hoặc thậm chí không thể thoát khỏi mối quan hệ bạo lực. Bảo đảm các gia đình là một nơi bình đẳng và công bằng không chỉ là một yêu cầu về đạo đức, mà là một yếu tố thiết yếu để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) - Chương trình toàn cầu toàn diện nhất để bảo đảm sự tiến bộ của nhân loại.

Theo phunuvietnam