Đại diện các bên thực hiện ký kết tại sự kiện. (Nguồn: UNFPA)
Theo đó, Chính phủ Australia sẽ viện trợ 9,5 triệu đôla Australia (khoảng hơn 160 tỷ đồng) để triển khai dự án từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025. Dự án hướng tới mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua tăng cường các chiến lược phòng ngừa, các biện pháp ứng phó đa ngành.
Phát biểu tại lễ ký kết, Đại sứ Australia tại Việt Nam H.E Robyn Mudie cho biết, trong 12 tháng qua, tất cả các quốc gia đã học được rằng ứng phó toàn diện với đại dịch có nghĩa là ứng phó với những thách thức mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
“Trong vòng 4 năm tới, chương trình dự án mới sẽ tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các nỗ lực ứng phó đa ngành nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực đối với trẻ em. Chương trình sẽ tăng cường hệ thống ứng phó với bạo lực và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực. Chúng tôi hy vọng rằng cách tiếp cận thực tế và dài hạn này sẽ tạo ra sự khác biệt đối với những việc mà chúng ta biết là cần thiết và phụ nữ và trẻ em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và họ sẽ được sự giúp đỡ khi họ cần. - Đại sứ Robyn Mudie chia sẻ.
Bà Naomi Kitahara, Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng: “Dự án mà chúng tôi công bố hôm nay cho thấy sự hợp tác tuyệt vời giữa Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các cơ quan của Liên hợp quốc nhằm giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam. Việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Không có cách nào để Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 mà không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Cùng nhau, chúng ta đang đóng góp cho một Việt Nam không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em và nhân phẩm của mọi người đáng được tôn trọng”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhu cầu về các dịch vụ thiết yếu có chất lượng, sẵn có để ứng phó hiệu quả với các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Chính điều này đòi hỏi cần có sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan để tạo ra sự khác biệt thực chất trong thời kỳ khủng hoảng.
Cùng ngày, Chính phủ Australia và các cơ quan Liên hợp quốc và phía đối tác Việt Nam đã tổng kết dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19” (từ tháng 5/2020-5/2021). Dự án do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp cùng với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA)… thực hiện.
Kết quả sau một năm thực hiện, dự án đã thành công với nhiều sáng kiến truyền thông đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, công nghệ kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội được tận dụng tối đa để nâng cao hiểu biết về nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới trong thời kỳ COVID-19.
Danh bạ địa chỉ cơ quan, tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực và xâm hại toàn quốc - hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19”. (Nguồn: UNFPA)
Đáng chú ý, dịch vụ bảo vệ được cung cấp thông qua các đường dây nóng do Ngôi nhà Ánh dương, Ngôi nhà Bình yên và CSAGA điều hành đã phục vụ hơn 13.000 lượt người tham vấn, tư vấn và chuyển gửi. Trong số đó, 832 nạn nhân của bạo lực đã được hỗ trợ trực tiếp.
Hơn 6.600 bộ dụng cụ thiết yếu đã được cung cấp cho phụ nữ phải trải qua và có nguy cơ bị bạo lực tại các trung tâm cách ly, nhà tạm lánh, khu vực bị phong tỏa ở Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và Hải Dương.
Theo thoidai