Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA), “một lượng lớn chưa được xác định chính xác các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng đang được vận chuyển từ Mỹ và các nước phát triển khác đến các nước đang phát triển hàng năm, và phần lớn chúng đều được cho phép nhập khẩu nhưng sau đó không được xử lý một cách thích hợp”.

thế giới hiện sử dụng hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong lĩnh vực xử lý chất thải điện tử phi chính thức
Thế giới hiện sử dụng hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong lĩnh vực xử lý chất thải điện tử phi chính thức

Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo rằng việc thải ra và xử lý một lượng chất thải điện tử ngày càng lớn có thể gây ra một loạt “tác động xấu đến sức khỏe trẻ em”, trong đó có thay đổi chức năng phổi, tổn thương ADN, tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như ung thư, và bệnh tim mạch trong quá trình trẻ lớn lên.

Ngoài ra, WHO cho biết, thế giới hiện sử dụng hơn 18 triệu trẻ em và thanh thiếu niên trong lĩnh vực xử lý chất thải điện tử phi chính thức. Các em thường được thuê để lùng sục trong hàng núi rác thải điện tử, và tìm kiếm các vật liệu có giá trị như đồng và vàng, “vì bàn tay nhỏ bé của các em khéo léo hơn bàn tay của người lớn”, WHO cho biết.

Cuộc khủng hoảng môi trường ngày càng gia tăng hiện đang thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp từ châu Âu đến Mỹ, cũng như các cộng đồng ở các quốc gia đang phát triển.

Vào tháng Sáu, các quan chức EU đã thông qua luật mới yêu cầu tất cả điện thoại và thiết bị điện tử phải sử dụng bộ sạc tiêu chuẩn, có thể dùng chung cho nhiều nhãn hiệu khác nhau, và hạn chế số lượng dây sạc mà một người tiêu dùng bình thường cần có. Ba nhà lập pháp tiến bộ của Mỹ đã kêu gọi quốc gia này ban hành điều luật tương tự.

Lượng chất thải điện tử ngày càng tăng cũng đang tạo ra áp lực cho chính các nhà sản xuất trong nỗ lực làm cho việc sửa chữa các thiết bị điện tử bị hỏng trở nên dễ dàng hơn, từ đó giảm lượng rác thải vì người tiêu dùng không phải “bỏ cũ, thay mới”.

Tổng thống Joe Biden năm ngoái đã thông qua một lệnh hành pháp chỉ đạo Ủy ban Thương mại liên bang ban hành các quy tắc, yêu cầu các công ty sản xuất điện tự tạo điều kiện cho người tiêu dùng tự sửa chữa các thiết bị hư hỏng.

Hiện, một số công ty công nghệ đã đưa ra các sáng kiến để giúp người dùng sửa chữa các thiết bị cũ. Đầu năm nay, Apple và Samsung đã khai trương các cửa hàng sửa chữa điện thoại thông minh theo hình thức tự phục vụ. Khi đến các cửa hàng này, người dùng có thể được cung cấp các phụ tùng có sẵn để để tự sửa thiết bị lỗi của mình.

Theo phunuonline.com.vn