leftcenterrightdel
  Cuộc xung đột Isarel - Hamas đã khiến hơn 2.000 trẻ em thiệt mạng

Hôm 23/10, tổ chức Save the Children cho biết, hơn 1 triệu trẻ em đang bị "mắc kẹt" ở Gaza không có nơi nào an toàn để đi và cảnh báo về tác động tàn khốc của việc thiếu thuốc và điện để cung cấp cho cơ sở hạ tầng y tế quan trọng trong khu vực này.

“Ít nhất 2.000 trẻ em ở Gaza đã thiệt mạng trong 18 ngày qua và thêm 27 trẻ em ở Bờ Tây thiệt mạng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên thực hiện các bước ngay lập tức để bảo vệ tính mạng của trẻ em và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ những nỗ lực đó” - tổ chức Save the Children cho biết và nói thêm rằng, các cuộc không kích của Israel là “giết chết và làm bị thương trẻ em một cách bừa bãi”.

Số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Palestine cho biết, số người chết do các cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza đã lên tới ít nhất 5.087, trong đó có 2.055 trẻ em.

Hôm 24/10, người phát ngôn Bộ Y tế Palestine Ashraf Al-Qudra cho biết: “Hệ thống y tế ở Gaza đã ở giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử”.

Theo Bộ Y tế Palestine ở Gaza, 12 bệnh viện và 32 trung tâm y tế hiện không hoạt động sau các cuộc tấn công của Israel và sau khi đã cạn kiệt nhiên liệu. 

Tại Gaza, dịch bệnh đậu mùa, ghẻ và tiêu chảy đã xuất hiện do môi trường y tế xuống cấp, thiếu vệ sinh và nguồn nước không an toàn. Bộ Y tế Palestine cho biết thêm, các bệnh viện sắp sụp đổ, hoạt động với hơn 150% công suất và tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức các ca phẫu thuật được tiến hành mà không có thuốc gây mê và trong một số trường hợp diễn ra dưới ánh sáng của điện thoại.

Khoảng 50.000 phụ nữ mang thai đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khoảng 166 ca sinh nở không an toàn diễn ra hàng ngày và hơn 5.000 phụ nữ sẽ sinh con trong tháng tới.

Theo bác sĩ phẫu thuật cấp cao Marwan Abusada, Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza (bệnh viện lớn nhất trong khu vực) có đủ nhiên liệu để hoạt động tối đa 2 ngày.

Điều kiện ở Al-Shifa rất tồi tệ, một bác sĩ khác nói rằng nếu không có điện, bệnh viện “sẽ chỉ là một ngôi mộ tập thể” và “không có gì để làm cho những người bị thương”.

Bác sĩ phẫu thuật người Anh gốc Palestine Ghassan Abu-Sittah nói rằng “hệ thống y tế ở đây đang tan rã” và nếu không có lệnh ngừng bắn cũng như hành lang nhân đạo thích hợp, sẽ xảy ra một thảm họa thậm chí còn nghiêm trọng hơn thảm họa đã tồn tại ở đây.

Bác sĩ Abu-Sittah cho biết bệnh viện quá tải và đã hết băng để băng vết bỏng cho hơn 100 bệnh nhân bị bỏng hơn 40% cơ thể. Trong khi đó, hơn 150 bệnh nhân đang duy trì sự sống với máy thở.

Các bệnh viện trên khắp Gaza đang phải đối mặt với tình huống tương tự.

Theo Liên hiệp quốc, mỗi ngày có 455 xe tải chở hàng viện trợ đến dải Gaz. Hiện, Gaza thiếu hơn 7.200 xe tải viện trợ so với mức thường nhận được.

Theo phụ nữ TPHCM