Hơn 25% trẻ em mắc COVID-19 lây lan cho những người khác trong gia đình
Cập nhật lúc 22:07, Thứ ba, 17/08/2021 (GMT+7)
Tạp chí nhi khoa Mỹ JAMA Pediatrics hôm 16/8 công bố một nghiên cứu cho thấy cứ 4 trẻ em bị COVID-19 thì có 1 trẻ lây bệnh cho các thành viên khác trong gia đình, trong đó nguy cơ lây truyền virus cao nhất là trẻ sơ sinh.
Quan niệm cho rằng trẻ em ít có nguy cơ mắc hoặc lây lan COVID-19 đã thay đổi – hiện nay, cứ 4 trẻ em thì có một trẻ là nguyên nhân lây lan bệnh trong gia đình - Ảnh: UPI
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, khi phân tích gần 6.300 hộ gia đình có ít nhất một ca bệnh nhi mắc COVID-19, hơn 1.700 người, tương đương 27%, quan sát thấy một thành viên khác bị bệnh do virus SARS-CoV-2.
Nghiên cứu tập trung vào các ca bệnh nhi mắc COVID-19 trong các hộ gia đình ở Ontario, Canada, và được xác nhận trong khoảng thời gian từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020, trước khi biến thể Delta trở thành chủng virus chiếm ưu thế trong khu vực.
Khoảng 12% các ca bệnh nhi là ở trẻ em từ 3 tuổi trở xuống, trong khi 20% liên quan đến trẻ em từ 4 đến 8 tuổi, 30% xảy ra ở trẻ em từ 9 đến 13 tuổi và 38% xảy ra ở trẻ từ 14 đến 17 tuổi.
Nghiên cứu phát hiện, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 3 tuổi có nguy cơ truyền virus cho những người khác trong gia đình cao hơn 43% so với những trẻ trong độ tuổi từ 14 đến 17. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng trẻ nhỏ hơn có thể có nhiều khả năng lây truyền virus hơn so với trẻ độ tuổi lớn hơn và tỷ lệ lây truyền cao nhất được quan sát thấy ở trẻ từ 0 đến 3 tuổi”.
Gần 31% hộ gia đình có trẻ em từ 3 tuổi trở xuống bị nhiễm bệnh quan sát thấy ít nhất một trường hợp lây nhiễm "thứ cấp" - tỷ lệ phần trăm cao nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào.
Theo các nhà nghiên cứu, có thể trẻ nhỏ có lượng virus trong cơ thể (tải lượng virus) tương tự như người trưởng thành, dẫn đến khả năng lây truyền cao hơn. Phát hiện này có ý nghĩa đối với việc kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm trong các hộ gia đình, trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em để giảm thiểu nguy cơ lây truyền thứ cấp trong gia đình.
Các nhà nghiên cứu của Cơ quan Y tế công cộng tỉnh Ontario viết: “Khi số ca bệnh nhi tăng lên trên toàn thế giới, vai trò của trẻ em trong việc lây truyền virus trong gia đình cũng tiếp tục tăng lên”.
Vai trò của trẻ em trong việc lây lan virus từng là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận kể từ khi đại dịch bắt đầu. Ít nhất là từ rất sớm, các nghiên cứu đã nói rằng trẻ em có nguy cơ bị lây nhiễm thấp hơn và do đó, nguy cơ lây truyền bệnh cũng thấp.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, khi biến thể Delta hoành hành ở Mỹ và nhiều nơi trên toàn cầu, ngày càng nhiều trẻ em mắc bệnh COVID-19 nặng.
Theo số liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS), gần 2.000 trẻ em trên toàn quốc đã phải nhập viện vì virus tính đến ngày 14/8. Đây được coi là số trẻ em bệnh nặng vì COVID-19 cao kỷ lục.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết tình hình trên rất đáng lo ngại, đặc biệt là khi các trường học trên toàn quốc bắt đầu mở cửa trở lại vào đầu tháng này.
Nghiên cứu cho rằng “việc cách ly với trẻ em bị bệnh là một thách thức và thường là không thể về mặt xã hội, những người chăm sóc nên áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm khác nếu khả thi, chẳng hạn như sử dụng khẩu trang, tăng cường rửa tay và tách các em khỏi anh chị em của mình”.
Trong một bài bình luận có tựa đề "Đúng, trẻ em có thể truyền COVID-19, nhưng chúng ta không cần sợ hãi", được xuất bản cùng với nghiên cứu mới công bố, các tác giả thuộc Đại học Pennsylvania nói thêm "giải pháp rõ ràng để bảo vệ một hộ gia đình có trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi lây nhiễm virus là tất cả các thành viên đủ điều kiện trong gia đình nên đi tiêm chủng”.
Theo phunuonline