leftcenterrightdel
 Việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như than, xăng, dầu diesel… đang gây ô nhiễm trầm trọng bầu không khí, gây bệnh tật và tử vong cho con người, đặc biệt là trẻ em

Phái đoàn này đại diện cho gần 500 nhóm phụ huynh từ 44 nước trên thế giới đã đến trao đổi đồng thời trao lá thư kêu gọi các nhà lãnh đạo chung tay hạn chế đến mức tối thiểu ô nhiễm môi trường khi trẻ em đang là đối tượng hứng chịu rủi ro cao nhất. Ước tính, hiện đang có hơn 90% trẻ em trên thế giới phải hít thở không khí độc hại, nguyên nhân chủ yếu là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch. 

Nhà vận động bảo vệ môi trường của Anh - Rosamund Adoo-Kissi-Debrah, người đã mất đứa con gái 9 tuổi vì bệnh hen suyễn có liên quan đến ô nhiễm không khí - cho biết: “Rất nhiều lời nói và không có hành động. Ô nhiễm độc hại đang vây quanh chúng ta, nó đang thúc đẩy một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và khiến trẻ em bị nhiễm bệnh. Chúng tôi cần hành động khẩn cấp ngay bây giờ”.

Cũng như bà Kissi-Debrah, những phụ nữ trong đoàn đều từng chứng kiến con của họ phải chịu hậu quả của ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gây ra. Bà Bhavreen Khandhari, đến từ Warrior Moms - một tổ chức gồm các bà mẹ chống lại ô nhiễm không khí ở Ấn Độ - nói: “Trẻ em phải có một lá phổi như một người nghiện thuốc lá do phải hít thở không khí ô nhiễm là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Xoli Fuyani - Giám đốc Chương trình môi trường của dự án Earthchild và là một trong những giám đốc của Liên minh Khí hậu châu Phi - nói: “Tôi khẩn cầu các đại biểu COP26 hãy nghĩ về những đứa trẻ và hành động vì lợi ích của chúng. Tại sao có nhiều chính phủ vẫn trợ cấp cho việc tìm kiếm thêm nhiên liệu hóa thạch hằng năm?”. Bà Kamila Kadzidlowska, đến từ Ba Lan, cho biết: “Các con tôi bị ho và mắc các bệnh về đường hô hấp vì ô nhiễm than độc hại. Tôi không thể ngăn chúng mắc bệnh trừ khi các nhà lãnh đạo đưa ra những lựa chọn đúng đắn”.

Tiến sĩ Maria Neira - Giám đốc Ủy ban Y tế công cộng, Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cho hay: “Ngày tôi tham gia phong trào các bà mẹ vì không khí sạch, tôi biết rằng chúng ta có thể lật ngược tình thế, vì không có gì mạnh mẽ hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con mình. Ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đang giết chết con cái chúng ta”. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Anh, hơn 40 nước đã cam kết chấm dứt việc đốt than cũng như loại bỏ đầu tư vào các hoạt động liên quan đến phá rừng. Ngoài ra, một nhóm 20 nước cũng cam kết ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài và chuyển khoảng 8 tỷ USD sang lĩnh vực phát triển năng lượng xanh. Dù vậy, những đại diện cho gần 500 nhóm phụ huynh từ 44 nước vẫn tha thiết đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới làm nhiều hơn nữa, vì những đứa trẻ, tương lai của thế giới. 

Theo phunuonline