Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Hong Kong,Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

 

Trong khi các nước trên thế giới đang lên kế hoạch về việc thiết lập “hộ chiếu vaccine," một dạng thẻ chứng nhận tiêm chủng hoặc chứng nhận đã miễn dịch với COVID-19, để thúc đẩy phục hồi kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại xuyên biên giới của người dân, Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã tiến hành nhiều cuộc họp thảo luận về vấn đề này.

Các chuyên gia y tế tỏ ra dè dặt về “hộ chiếu vaccine," nói rằng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy sau khi tiêm vaccine thì sẽ không bị lây nhiễm và không trở thành đối tượng lây lan virus, hơn nữa virus biến chủng nhanh chóng nên khó có thể xác định hiệu quả của vaccine.

Một số chuyên gia lại quan tâm đến việc thao tác như thế nào trong thực tiễn, trong khi đó một số doanh nhân lo ngại về yêu cầu chứng nhận vaccine ở các nước khác nhau và họ không biết nên sử dụng loại nào.

Ngày 19/3, Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm và bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Hong Kong Hà Bách Lương, cho biết vaccine ngừa COVID-19 đóng vai trò tích cực trong việc cứu vãn nền kinh tế.

Khi tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tiếp tục tăng lên, Chính quyền Hong Kong nên đàm phán với các khu vực khác để thúc đẩy một hệ thống thừa nhận lẫn nhau về vaccine thường được gọi là “hộ chiếu vaccine," để người dân của hai bên sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai được 14 ngày thì có thể miễn kiểm dịch cách ly khi nhập cảnh và sẽ an toàn hơn việc thiết lập “bong bóng du lịch."

Theo ông, “bong bóng du lịch” trước đây dựa vào xét nghiệm virus để đảm bảo an toàn, nhưng vấn đề lớn nhất là kết quả xét nghiệm chỉ phản ánh tình hình ngay lúc đó, không thể loại trừ khả năng người đó đang trong thời gian ủ bệnh hoặc sau khi rời khỏi biên giới hoặc trong thời gian xuất cảnh thì bị nhiễm bệnh.

Nhưng việc tiêm chủng thì khác, vaccine có tác dụng nhất định, những người đã tiêm phòng nếu bị nhiễm virus thì cũng sẽ giảm đáng kể rủi ro cho dù họ quay trở lại Hong Kong hay trong thời gian du lịch nước ngoài.

Ông cho rằng phải chờ đến khi không có ca nhiễm bệnh nào thì mới thảo luận về việc nối lại các chuyến du lịch nước ngoài là không khả thi, ông đề xuất rằng Chính quyền Đặc khu có thể xem xét việc thiết lập “hộ chiếu vaccine” với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc Đại lục.

Ông lấy ví dụ dân số của Nhật Bản và Hàn Quốc hơn Hong Kong rất nhiều, vì vậy họ không thể nhìn số ca mắc mới trong ngày để xác định nguy cơ, và sự phân bố khu vực của các ca mắc bệnh ở hai bên cũng có sự khác biệt. Nếu so với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bảy ngày qua, tỷ lệ các ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên 100.000 người trên thực tế là tương đương với Hong Kong.

Nhân viên y tế kiểm tra mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN|)

 

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lại cho rằng Hong Kong trong ngắn hạn muốn thông quan với Trung Quốc Đại lục dựa vào “hộ chiếu vaccine” là không thực tế. Xét từ góc độ y tế, việc tiêm phòng không có nghĩa là loại trừ khả năng lây nhiễm hoặc mang virus.

Nhiều nước cũng đã xảy ra trường hợp người tiêm vaccine có kết quả dương tính với axit nucleic sau khi tiêm chủng, do đó nếu người tiêm phòng đến từ các vùng có dịch bệnh không ổn định thì khi sang các khu vực khác vẫn mang lại rủi ro cho nơi đó, đây là các yếu tố rủi ro mà Đại lục sẽ phải cân nhắc.

Về tiêu chuẩn chấp nhận vaccine, ông Tăng Kỳ Ân, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Bệnh Truyền nhiễm của Hiệp hội Y khoa Hong Kong, cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) có trách nhiệm làm rõ loại vaccine nào được sử dụng ở một quốc gia hay khu vực nào đó, sau khi đi máy bay đến một quốc gia hoặc khu vực khác cần phải được sự thừa nhận lẫn nhau, như vậy có thể giảm bớt được tranh chấp giữa hai bên.

Mặc dù Hong Kong chưa có “hộ chiếu vaccine," nhưng hiện nay sau khi người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19, có thể nhận được thẻ chứng nhận điện tử thông qua ứng dụng iAm Smart, đồng thời chính quyền cũng sẽ cung cấp chứng nhận bằng giấy.

Một số chuyên gia kết luận rằng rủi ro và lợi ích của “hộ chiếu vaccine” cùng tồn tại song song. Tuy nhiên, lợi ích của “hộ chiếu vaccine” vượt trên rủi ro và lo ngại. Vì vậy, Chính quyền Hong Kong cần phải thúc đẩy việc tiêm chủng, đồng thời nỗ lực gia nhập hàng ngũ “hộ chiếu vaccine." Điều này không những có thể trở thành động lực cho việc tiêm chủng, mà còn giúp Hong Kong nhanh chóng thoát khỏi suy thoái kinh tế, để cuộc sống của người dân được trở lại bình thường.

Hong Kong đã bắt đầu chương trình tiêm phòng COVID-19 tháng Hai vừa qua với vaccine của hãng công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc. Đầu tháng này, Hong Kong bổ sung thêm vaccine Fosun/BioNTech vào chương trình tiêm chủng với tỷ lệ sử dụng là 96%, so với 84% đối với vaccine Sinovac. Mục tiêu là đến cuối năm nay 7,5 triệu người dân của thành phố sẽ được tiêm chủng.

Tính đến tối 20/3, khoảng 304,100 người Hong Kong đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Theo Vietnamplus