leftcenterrightdel
Canada hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 5 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. (Nguồn: Báo Hải quan) 

Sự khác biệt rõ rệt này là do Canada tính cả luồng trung chuyển nhập khẩu qua Hoa Kỳ vào Canada. Nếu tính theo số liệu của nước sở tại, Canada là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 5 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng ghi nhận trong số liệu nước sở tại cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế tại Canada. Các mặt hàng điện tử, điện máy, lò phản ứng, nồi hơi, thiết bị quang học, ô tô và phụ tùng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt.

Tính từ đầu năm đến nay, Top 10 nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada vẫn giữ được mức tăng trưởng kim ngạch hai chữ số (trừ thuỷ sản giảm 32,8%; nội thất giảm 8,1% và đồ chơi và đồ thể thao giảm 4,%): điện tử, điện thoại di động tăng 28,9%; da giày tăng 82,8%; quần áo dệt kim tăng 12,4%; quần áo không dệt kim tăng 29,8%; lò phản ứng nồi hơi tăng 16,7%; các sản phẩm từ da tăng 75,7%; thiết bị quang học tăng 14,2%.

Tuy nhiên, một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận mức suy giảm như các loại hạt và quả hạch giảm 39,5%; sản phẩm nhựa giảm 16,6%; cao su và các sản phẩm từ cao su giảm 4,4%; sắt thép giảm 77,8%; các sản phẩm từ sắt thép giảm 4,5%; các sản phẩm từ nhôm giảm 27,7%; các sản phẩm gốm sứ giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Canada trong 3 tháng đầu năm 2023 cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu của Canada từ các nước trên thế giới (9,3%) và cao hơn tất cả các quốc gia xuất khẩu chủ yếu trong ASEAN như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan….

Trong Top 10 đối tác thương mại hàng đầu của Canada, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ nhất nhưng tụt hạng vị trí đối tác xuất khẩu xuống thứ 8.

Xu hướng nhập khẩu của thị trường Canada cũng thể hiện rõ định hướng “friendshoring” trong chiến lược đối ngoại của Canada, theo đó, Canada tiếp tục ưu tiên nhập khẩu từ các đối tác đồng minh (với mức tăng trưởng đột biến từ Đức, Italy, Anh, trung bình từ 10% trở lên) và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc (giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2022).

Ngoài các yếu tố cản trở xuất khẩu lớn đối với Việt Nam như chi phí logistics nội địa tại Canada cao khiến giá xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh so với các nước láng giềng Nam Mỹ; chính sách tỷ giá đồng CAD thấp; các tiêu chí xã hội và môi trường; tiêu chuẩn bao bì và hàm lượng nhựa tái chế… thì xu hướng Canada đẩy mạnh chính sách hướng về khối kinh tế Nam Mỹ đang là xu hướng tác động rõ rệt đến xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: trái cây, thuỷ sản, dệt may.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, trong quý I/2023, qua theo dõi số liệu nước sở tại, Canada đặc biệt đẩy mạnh nhập khẩu từ Ecuador, Argentina, Chile và Mexico. Ngoại trừ Argentina, cả Ecuador, Chile và Mexico đều có Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) song phương với Canada.

Nghiên cứu số liệu sở tại từ 2018 - 2022 cho thấy, từ sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến đều tăng (trừ sản phẩm trái cây và hạt).

Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, nhiều sản phẩm của khu vực công nghiệp nội địa có mức tăng vượt bậc, chứng minh tác động tích cực của CPTPP đến xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của Việt Nam vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng mà Hiệp định này mang lại.

Theo số liệu nước sở tại, trong năm 2022, khoảng 81% hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sang Canada vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan MFN và khoảng dưới 1% vẫn sử dụng ưu đãi thuế quan GPT; chỉ có 18% sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP.

Lý do là hoặc các doanh nghiệp của Việt Nam chưa quan tâm đến việc sử dụng ưu đãi thuế quan CPTPP; hoặc do các sản phẩm của chúng ta chưa đủ điều kiện về xuất xứ/hàm lượng khu vực (thường là đối với sản phẩm dệt may vì CPTPP yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi).

Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực mặt hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu vẫn chưa biết cách tận dụng và khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất, trong chiến lược mua nguyên liệu đầu vào để đảm bảo hàm lượng CPTPP trong xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan.

"Đây có thể nói là hạn chế đáng tiếc nhất, cản trở tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này", Thương vụ Việt Nam tại Canada nhận định.

Theo baoquocte