leftcenterrightdel
Doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Chương trình kết nối giao thương Việt Nam-Hàn Quốc, được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng trước. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN) 

Ngày 7/11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế chủ đề: “Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc: Chuẩn bị cho thế hệ tương lai.”

Sự kiện thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết sự kiện là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thảo luận về chiến lược phát triển cho thế hệ trẻ trong ba phiên thảo luận: “Giáo dục tương lai,” “Chính phủ tương lai,” “Thanh niên, việc làm và khởi nghiệp.”

Nêu bật những thành tựu chính trong quan hệ song phương Việt Nam-Hàn Quốc, đó là sự tin cậy về chính trị, an ninh quốc phòng; mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư; các lĩnh vực hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, lao động, du lịch..., Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng hai nước cần tăng cường hợp tác đối phó với các thách thức kinh tế-xã hội như khủng hoảng năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cũng yêu cầu các báo cáo tại hội thảo tập trung vào những nội dung chính như: Phân tích bối cảnh và dự báo tình hình thế giới, chia sẻ kinh nghiệm và mô hình phát triển hiệu quả; đề xuất chiến lược hợp tác mới nhằm xây dựng nguồn nhân lực trẻ cho tương lai.

Kết quả của hội thảo sẽ được tổng hợp thành báo cáo trình lên các cơ quan thẩm quyền. Đưa ra phân tích về hiện trạng kinh tế-xã hội của Việt Nam và Hàn Quốc, Tiến sỹ Go Young Seon - Giám đốc Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc cho biết kinh tế Hàn Quốc đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong trung và dài hạn, trong khi Việt Nam duy trì đà tăng trưởng nhanh và ổn định từ những năm 1990 của thế kỷ 20.

Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, gần gấp đôi Hàn Quốc, Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, trong đó 22,2% là trong độ tuổi 0-14. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam (67,4%) cao hơn Hàn Quốc (54,3%) ở nhóm nữ giới. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại có tỷ lệ hoàn thành giáo dục phổ thông và đại học cao hơn Việt Nam.

Cũng theo Tiến sỹ Shin Dong Cheou, về lĩnh vực hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trí tuệ Nhân tạo (AI) đã và đang được nghiên cứu, phát triển tại hai nước, các chuyên gia Hàn Quốc dự đoán AI sẽ tạo ra thay đổi lớn trong nhiều lĩnh vực và nâng cao năng suất lao động.

Do đó, thời gian tới, hai nước cần thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ và đào tạo đội ngũ chuyên môn nhằm khai thác tiềm năng của AI, đồng thời rút ngắn khoảng cách số.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thu Nghĩa, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cũng cho rằng chuyển đổi số có cả cơ hội lẫn thách thức.

Ở lĩnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo, Việt Nam và Hàn Quốc đều cần hướng tới cải cách giáo dục theo hướng chuyển từ kỹ năng truyền thống sang kỹ năng mới kỹ năng số, tư duy phản biện, sáng tạo.

Chia sẻ thực trạng và giải pháp cải cách giáo dục nhằm ươm mầm tài năng tương lai của Hàn Quốc, ông Lim Hoo Nam, Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc cho biết tại Hàn Quốc, nhiều cơ sở giáo dục lớn đưa ra các chương trình học bằng tiếng Anh, hỗ trợ sinh viên quốc tế và cải cách giáo dục đại học.

Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình học này có nhiều cơ hội việc làm tại Hàn Quốc và quốc tế, cũng như tại Việt Nam.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục của Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng tuyển sinh do dân số giảm và thay đổi thị trường lao động.

Các biện pháp cải cách tập trung vào hỗ trợ tài chính, đánh giá năng lực trường đại học, thúc đẩy chuyên biệt hóa các trường địa phương để tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Các chuyên gia hai nước Việt Nam-Hàn Quốc đã tập trung thảo luận nhằm xây dựng cộng đồng nghiên cứu chính sách, mở rộng hợp tác giữa các trường đại học và cơ quan nghiên cứu; đồng thời, thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghiên cứu sâu rộng hơn giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các đối tác Hàn Quốc.

Cùng ngày, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia về Kinh tế, Khoa học xã hội và Nhân văn Hàn Quốc nhằm tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa hai tổ chức, mở rộng trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học xã hội và nhân văn.

Thỏa thuận này tiếp tục tạo nền tảng cho việc hợp tác lâu dài, thúc đẩy phát triển nghiên cứu chính sách và hỗ trợ xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học./.

Theo vietnamplus