leftcenterrightdel
Giới trẻ Việt Nam chính là “hy vọng lớn nhất” để giải quyết vấn đề này, theo ông Bradley Bessire - Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu 

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (TN&MT). Trong đó, 90% số rác sẽ bị thải ra biển, chôn vào đất mà chưa qua xử lý và để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sống. Và giới trẻ Việt Nam chính là “hy vọng lớn nhất” để giải quyết vấn đề này, theo ông Bradley Bessire - Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam.

“Giới trẻ sẽ là người đề xuất giải pháp, trò chuyện với những thế hệ trước và giáo dục thế hệ sau để nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải nhựa tại Việt Nam”, ông Bessire chia sẻ trong buổi ra mắt bộ tranh tường mới của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM hôm 27/6 với chủ đề “Giảm thiểu Rác thải nhựa”.

“Giới trẻ TP.HCM đang làm rất tốt”

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Bessire nhận xét thế hệ trẻ Việt Nam là những người có nhận thức sâu rộng trong các vấn đề về môi trường. “Họ luôn có những giải pháp sáng tạo và táo bạo khi đương đầu với các vấn đề môi trường, khí hậu và rác thải”, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam nói thêm giới trẻ có vai trò “tiên phong và là hy vọng lớn nhất” trong các chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa của Việt Nam.

Năm 2023, USAID Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động ASEAN Social Impact Program 2023 (ASIP - Dự án Tác động xã hội Đông Nam Á 2023) để tạo điều kiện cho giới trẻ phát triển cho các giải pháp “hướng tới tương lai không rác thải”.

leftcenterrightdel
Bộ tranh tường nằm trong khuôn khổ các chiến dịch nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa giữa chính phủ Việt Nam và USAID. Ảnh: Duy Hiệu 

“Chuỗi hoạt động ASIP 2023 có một cuộc thi cùng tên, cho phép người tham gia lên ý tưởng để tổ chức các dự án hướng tới một tương lai không rác thải”, Ngô Bá Khoa, 23 tuổi, quán quân ASIP 2023 với dự án tái chế vải vụn, cho biết. Sau khi nhận được 5.000 USD tài trợ từ USAID, dự án của Bá Khoa còn đến tận Singapore triển lãm và đấu giá các tác phẩm làm từ vải vụn để gây quỹ trồng cây xanh cho các trường học.

Không chỉ ở các hoạt động của USAID, giới trẻ Việt còn được đánh giá cao trong tại các dự án phát triển bền vững của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

leftcenterrightdel
Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns nhận xét giới trẻ Việt Nam luôn có ý thức cao trong việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: Duy Hiệu 

“Chúng tôi có một chương trình gọi là Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á nhằm tạo điều kiện cho giới trẻ khu vực gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng học tập về biến đổi khí hậu, giảm thiểu rác thải và phát triển bền vững”, bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - chia sẻ với Tri Thức - Znews. “Và giới trẻ Việt Nam thường xuất hiện nổi bật trong các dự án như thế này”.

Tổng Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhận xét giới trẻ Việt Nam luôn có ý thức cao trong việc không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. “Tại TP.HCM, sinh viên ở các trường đại học đều có ý thức tái sử dụng bình đựng nước và không dùng ly, ống hút nhựa”, bà Burns chia sẻ. “Giới trẻ đang làm rất tốt khi góp phần giúp TP.HCM trở thành một điểm đến xanh và hấp dẫn”.

120 tấn rác nhựa được xử lý

Sáng 28/6, trong khuôn khổ các hoạt động phối hợp giữa chính phủ Việt Nam và USAID, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM và Quyền Giám đốc USAID Việt Nam còn cùng nhau ra mắt bộ tranh tường mới với chủ đề “Giảm thiểu Rác thải nhựa”. Tại sự kiện, ông Bessire cho rằng chính phủ Việt Nam cũng “đang làm rất tốt” trong công cuộc phát triển bền vững và chống lại biến đổi khí hậu.

“Những bức tranh với chủ đề ‘Giảm thiểu Rác thải nhựa’ là một trong các hoạt động nâng cao nhận thức về rác thải nhựa của USAID và chính phủ Việt Nam. Trong tương lai, USAID sẽ phối hợp với chính phủ nhiều hơn để đối phó với rác thải nhựa và biến đổi khí hậu”, ông Bessire nói.

leftcenterrightdel
USAID Việt Nam vừa ra mắt bộ tranh tường mới trước Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM với chủ đề "Giảm thiểu rác thải nhựa". Ảnh: Duy Hiệu 

Theo ông, Việt Nam đã làm “rất tốt” trong 6 tháng đầu tiên thực thi các quy định về EPR (Extended Producer Responsibility - các quy định yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm xử lý sản phẩm khi chúng trở thành chất thải). “Đây là một bước đi rất dài trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung”, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam nhận xét.

leftcenterrightdel
Quyền Giám đốc USAID Việt Nam khẳng định Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong hành trình giảm rác thải nhựa. Ảnh: Duy Hiệu 

Ngoài ra, chính phủ Việt Nam còn phối hợp với USAID để thực hiện nhiều dự án xử lý, thu gom rác thải nhựa tại nguồn. Trong đó, tiêu biểu là ứng dụng VECA (Ve chai công nghệ) - một nền tảng được phát triển từ năm 2021. “Tính đến nay, VECA đã giúp Việt Nam hạn chế được 120 tấn rác thải ra biển. Đây là một con số ấn tượng và cho thấy triển vọng của ngành tái chế rác thải Việt Nam”, ông Bessire nói.

Nhìn lại, ông khẳng định Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong hành trình giảm thiểu rác thải nhựa, nổi bật nhất là việc thực thi EPR. Từ đây, USAID sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam để cùng nhau bảo vệ môi trường, các loài động vật quý hiếm và phát triển bền vững.

Theo Znews