Nhân viên y tế với lọ thuốc Imdevimab, một thành phần của hỗn hợp Ronapreve - REUTERS

Nhiều loại thuốc được xem xét

Tờ The Japan Times ngày 12.8 đưa tin chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng đối tượng sử dụng liệu pháp điều trị kháng thể Ronapreve, do Hãng Regeneron (Mỹ) sản xuất. Loại thuốc này đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ cấp phép, nhãn hiệu tại Mỹ là REGEN-COV.

Đây là hỗn hợp kháng thể nhân tạo được Bộ Y tế Nhật Bản cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi tháng 7 cho các bệnh nhân nội trú từ 12 tuổi trở lên không sử dụng thêm ô xy và có nguy cơ trở nặng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy hỗn hợp dùng để truyền tĩnh mạch này giảm tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong đến hơn 70%, rút ngắn thời gian triệu chứng xuống còn 4 ngày.

Thuốc này được cho là hiệu quả nhất khi được sử dụng trong khoảng 2 - 3 ngày từ khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, từ thực tế bệnh nhân thường chỉ nhập viện sau 5 ngày biểu hiện triệu chứng, khiến công dụng của thuốc bị giảm, nên giới chức Nhật Bản đang xem xét cấp phép sử dụng Ronapreve cho bệnh nhân ngoại trú và điều trị tại nhà.

Cục Quản lý hàng hóa trị liệu Úc (TGA) cũng đang xem xét cấp phép cho liệu pháp điều trị kháng thể sotrovimab do Hãng GlaxoSmithKline (Anh) và Vir Biotechnology (Mỹ) sản xuất. Theo mạng truyền hình Nine News, liệu pháp truyền tĩnh mạch này có thể giảm đáng kể nguy cơ nhập viện hoặc tử vong của bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ đến vừa, đã được Mỹ và nhiều nước cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Trong khi đó, Hãng dược Celltrion của Hàn Quốc ngày 12.8 thông báo đã được Brazil cấp phép sử dụng liệu pháp kháng thể Rekirona, giúp giảm nguy cơ trở nặng của bệnh nhân Covid-19 và rút ngắn thời gian hồi phục.

Thuốc uống tiện lợi

Ngoài các liệu pháp truyền tĩnh mạch, các hãng dược cũng đang thử nghiệm những loại thuốc uống tiện lợi cho người bệnh nhẹ.

Hãng Merck đang xin TGA cấp phép cho loại thuốc uống Molnupiravir để điều trị bệnh nhân nhẹ tại nhà. Loại thuốc này cần uống mỗi ngày 2 viên và kết quả thử nghiệm cho thấy vi rút không còn nhân bản sau 5 ngày điều trị. Thuốc chỉ gây phản ứng phụ nhẹ như chóng mặt và nhức đầu. Nhận thấy tiềm năng của loại thuốc này, chính phủ Mỹ hồi tháng 6 đã đặt trước số thuốc có tổng giá trị 1,2 tỉ USD.

Hãng dược Shionogi của Nhật cũng sắp xin cấp phép cho loại thuốc viên S-217622 để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, mỗi ngày chỉ uống một viên. Nhật Bản kỳ vọng S- 217622 sẽ giúp vô hiệu hóa vi rút trong vòng 5 ngày từ khi bệnh nhân bắt đầu uống. Tại Mỹ, Viện Nghiên cứu lâm sàng Duke (bang Bắc Carolina) đang kêu gọi tình nguyện viên tham gia thử nghiệm 3 loại thuốc có tiềm năng ngăn chặn bệnh nhân Covid-19 nhập viện gồm: Ivermectin dùng điều trị nhiễm ký sinh trùng, Fluticasone dạng xịt để trị bệnh hen suyễn, tắc nghẽn phổi mãn tính và Fluvoxamine chống trầm cảm.

Đại dịch diễn biến khó lường

Tình hình đại dịch Covid-19 tại một số nước trong khu vực và trên thế giới vẫn phức tạp. Thái Lan ngày 12.8 công bố số ca nhiễm kỷ lục trong 24 giờ là 22.782 ca. Trong khi đó, làn sóng thứ 4 tại Hàn Quốc chưa đạt đỉnh, còn thủ đô Tokyo của Nhật Bản báo động về số ca nhiễm mới và có thể sẽ siết chặt quy định khẩn cấp thêm 2 tuần. Tại Mỹ, số ca nhiễm trung bình hằng ngày tăng 86% so với 2 tuần trước.

FDA dự tính cấp phép tiêm nhắc lại cho người có hệ miễn dịch yếu bằng các vắc xin sử dụng công nghệ mRNA (Pfizer và Moderna). Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Nhật Bản cho hay việc hút thuốc có thể giảm khả năng miễn dịch của vắc xin mRNA. Một đánh giá khác của các nhà khoa học thuộc Trường Y tế công cộng Yale (Mỹ), tổng hợp dữ liệu của hơn 350 nghiên cứu, cho thấy 1/3 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng và trường hợp này phổ biến hơn ở trẻ em so với người lớn, và ở người chưa có tiền sử bệnh khác.

Theo thanhnien