leftcenterrightdel
 Maria Árnadóttir là một trong những phụ nữ kiện Iceland vì vi phạm quyền của nạn nhân bạo lực gia đình

Maria Árnadóttir bị nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Theo tài liệu của tòa án, đó là những vết thương do bạn trai của của cô gây ra. Anh ta đã ném Árnadóttir quanh phòng để giật chiếc điện thoại, ngăn cô gọi cho cảnh sát. Trong nhiều ngày sau khi bị tấn công, Árnadóttir cảm thấy rất khó thở, và cuối cùng phải nhập viện cấp cứu.

Trao đổi với CNN, Árnadóttir cho biết người đàn ông đã tấn công cô nhiều lần trước đây, nhưng chưa bao giờ bạo lực như anh ta đã làm vào lần đó - tháng 7/2016. “Khi đó, tôi tưởng rằng mình sẽ chết”, cô kể lại.

Nhiều tháng sau, Árnadóttir đã lấy hết can đảm để đến gặp cảnh sát, và gửi những bức ảnh về vết thương của mình, kèm theo các ghi chú y tế, các bằng chứng cho thấy cô đã bị bạo hành và lạm dụng tâm lý, cũng như các tin nhắn từ kẻ tấn công. Árnadóttir cho biết, trong các tin nhắn này, bạn trai cũ của cô đã thừa nhận vụ hành hung, nhưng đe dọa sẽ chia sẻ những bức ảnh khỏa thân của cô, nếu cô lên tiếng. Trong hồ sơ tòa án, có tất cả các tài liệu này.

Theo các tài liệu của tòa án, người đàn đã ông phủ nhận việc hành hung Árnadóttir, nhưng thừa nhận đã gửi những lời đe dọa, mặc dù rằng anh ta không bao giờ có ý định làm theo những lời này.

Nhưng đối với cảnh sát, những bằng chứng mà Árnadóttir đưa ra vẫn chưa đủ. Árnadóttir cho biết, một năm rưỡi sau khi cô tố cáo kẻ hành hung, cảnh sát nói với cô rằng vụ án đã được hủy bỏ. Árnadóttir đã phát hiện ra điều đó không đúng. Theo các quan chức tư pháp, những người xem xét vụ án sau đó, cảnh sát đã chậm trễ điều tra, để cho thời hiệu của vụ án qua đi.

Árnadóttir là một trong số nhiều phụ nữ đã cùng nhau đưa chính phủ của họ - Iceland - ra Tòa án nhân quyền Châu Âu, cho rằng hệ thống tư pháp của nước này đã dung túng cho “sự kỳ thị nữ giới”, và vi phạm một cách có hệ thống quyền của các nạn nhân bị bạo lực theo phân biệt giới tính.

Theo bình luận của CNN, đây là một “hiện tượng lạ” ở một quốc gia từ lâu đã được xem là nơi bình đẳng giới nhất thế giới.

leftcenterrightdel
 Các thành viên của Öfgar, một nhóm nữ quyền Iceland đấu tranh chống lại bạo lực trên cơ sở giới, được chụp ở Reykjavik vào tháng 10/2021

Trên lý thuyết, Iceland là một nơi lý tưởng cho phụ nữ. Trong 12 năm liền, quốc gia này đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào vị trí đầu bảng trên thế giới về bình đẳng giới.

Iceland cũng có luật trả lương bình đẳng và chống phân biệt đối xử hàng đầu thế giới. Phụ nữ chiếm 47% số ghế trong quốc hội và chiếm 46% trong hội đồng quản trị của các công ty ở Iceland.

Chính phủ cũng trợ cấp rất nhiều cho việc chăm sóc trẻ em, và áp dụng cho tất cả các tối tượng. Thai phụ thì được miễn phí các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Kẻ hành hung Árnadóttir đã bị kết án với các tội danh đe dọa cô vào năm 2020, và bị tuyên án 45 ngày tù treo, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân, theo các tài liệu của tòa án được công bố rộng rãi. Tòa án quốc gia của Iceland đã bác kháng cáo của anh ta vào đầu năm nay, và giữ nguyên bản án ban đầu.

Steinunn Guðjónsdóttir, người phát ngôn và quản lý gây quỹ của tổ chức phi lợi nhuận Stígamót, cho CNN biết tổ chức này đã xem xét một số vụ cáo buộc bạo hành phụ nữ gần đây đã bị cảnh sát hoặc công tố viên bác bỏ, và nhận thấy quyền của nạn nhân đã bị vi phạm trong một số trường hợp. Trong đó, có việc cảnh sát không hành động quyết liệt, làm cho hết thời hiệu, hoặc bỏ qua các bằng chứng, như trường hợp của Árnadóttir.

“Hệ thống tư pháp Iceland xem hiếp dâm là một tội phạm rất nghiêm trọng, nhưng vấn nạn này chưa được quan tâm và bố trí nguồn nhân lực để ngăn chặn đầy đủ. Khi có một vụ giết người, toàn bộ lực lượng cảnh sát sẽ vào cuộc để điều tra. Nhưng nếu đó là một vụ hiếp dâm, thì điều này sẽ không xảy ra”, Guðjónsdóttir lên tiếng.

Ngoài ra, theo Guðjónsdóttir, tính minh bạch cũng là một vấn đề. Cô chỉ ra rằng, theo luật pháp Iceland, nạn nhân không có quyền xem hồ sơ vụ án của họ, có nghĩa là họ không thể theo dõi tiến trình điều tra.

Theo một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về chấn thương được thực hiện năm 2018, 1/4 phụ nữ Iceland đã từng bị hiếp dâm hoặc bị âm mưu cưỡng hiếp trong cuộc đời, và khoảng 40% đã bị bạo lực thể xác hoặc tình dục. Con số này cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, là khoảng 30%.

Theo phunuonline