IMF: Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế châu Á ngừng tăng trưởng - Ảnh 1.

Đường phố tại Bắc Kinh trong giờ cao điểm ngày 15-4-2020 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters - IMF ngày 16-4 cho biết tăng trưởng kinh tế châu Á năm nay sẽ dần chậm lại và dừng hẳn, lần đầu tiên trong 60 năm qua, vì ảnh hưởng "chưa từng có tiền lệ" của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế khu vực.

Ông Changyong Rhee, giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở đây cần đưa ra chính sách hỗ trợ có mục tiêu với các hộ gia đình và các công ty bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì các lệnh cấm đi lại, chính sách giãn cách xã hội và những biện pháp chống dịch khác.

"Đây là giai đoạn rất bất ổn và thách thức với nền kinh tế toàn cầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không là ngoại lệ. Ảnh hưởng của dịch bệnh với khu vực này sẽ nghiêm trọng, trên phạm vi toàn bộ và chưa có tiền lệ", ông Changyong Rhee nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay 16-4.

Ông Changyong Rhee kêu gọi các nước châu Á sử dụng mọi phương tiện chính sách có thể để ứng phó với tình hình hiện nay.

Báo cáo của IMF về khu vực châu Á - Thái Bình Dương công bố ngày 16-4 cho rằng nền kinh tế châu Á sẽ không tăng trưởng trong năm nay, cũng là lần đầu tiên trong 60 năm qua.

Cũng theo IMF, nếu các chính sách kiểm soát dịch bệnh thành công, trong năm tới, dự đoán tăng trưởng kinh tế tại châu Á sẽ đạt 7,6%, tuy nhiên tổ chức này cũng cho rằng tầm nhìn này là không chắc chắn.

Không giống với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 với sự sụp đổ của ngân hàng hàng đầu của Mỹ Lehman Brothers, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực dịch vụ trong khu vực khi buộc mọi người phải ở nhà, còn các cửa hàng phải đóng cửa ngừng kinh doanh.

Kinh tế Trung Quốc năm nay dự kiến tăng trưởng 1,2%, giảm nhiều so với 6% trong dự báo tăng trưởng công bố hồi tháng 1-2020 của IMF, do xuất khẩu yếu và giảm mạnh các hoạt động nội địa vì giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, IMF dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đảo chiều, tăng tốc trở lại các hoạt động trong nửa sau năm nay và ước tính tốc độ tăng trưởng sẽ vọt lên 9,2% trong năm tới.

Dù thế, vẫn có những nguy cơ đe dọa những tiềm năng tăng trưởng đó của Trung Quốc nếu dịch bệnh tái phát và gây trì trệ cho các bước trở lại hoạt động bình thường của nền kinh tế nước này.

Theo tuoitre