leftcenterrightdel
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/11 kêu gọi Trung Quốc tăng tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 và hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của mình để khôi phục lòng tin và giảm nguy cơ từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc và giá năng lượng leo thang.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá thường niên về chính sách kinh tế của Trung Quốc, IMF cho biết quỹ đang giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP đưa ra hồi tháng 10, theo đó GDP của nước này sẽ đạt 3,2% trong năm 2022 và 4,4% vào năm 2023 với giả thiết là Trung Quốc sẽ dỡ bỏ chiến lược phòng dịch “Không COVID” trong nửa cuối năm 2022.

Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, bà Gita Gopinath nhận định dù chiến lược “Không COVID” đã dần linh hoạt hơn nhưng việc xuất hiện nhiều biến thể lây nhiễm nhanh hơn trong khi tỷ lệ tiêm vaccine thấp dẫn tới việc phải áp dụng phong tỏa thường xuyên hơn, ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trong đó có lĩnh vực nhà ở. Bà khuyến nghị cần “tăng tỷ lệ tiêm phòng và duy trì ở mức cao.”

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc đang vất vả ứng phó với việc số ca nhiễm tăng trở lại, làm dấy lên lo ngại về kinh tế và xóa tan hy vọng về khả năng mở cửa trở lại nhanh chóng. IMF cho biết các nguy cơ kinh tế đối với Trung Quốc đang có chiều hướng xấu do những tác động của việc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, giá năng lượng cao hơn và các điều kiện tài chính bị siết chặt.

Về lâu dài, IMF cho biết sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể làm giảm đà kinh tế toàn cầu, trong đó Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ về tài chính và những hạn chế về thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài và khả năng tiếp cận công nghệ. IMF khuyến nghị Trung Quốc nên bảo vệ đà phục hồi và tạo điều kiện tái cân bằng hướng tới tăng tiêu dùng nội địa.

Trong tuyên bố của mình, IMF cũng hoan nghênh các sáng kiến hỗ trợ gần đây cho lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, trong đó có một chương trình cho vay nhằm giúp hoàn thiện những ngôi nhà chưa xây xong và cho phép hoãn nợ đối với những khoản vay mua bất động sản có vấn đề.

Bà Gopinath nhận định: “Các biện pháp này sẽ giúp khôi phục lòng tin người mua nhà và tạo điều kiện tái cơ cấu dựa trên thị trường.” Bà cũng cho biết thêm rằng trong trung hạn, các cuộc cải cách cơ cấu trong lĩnh vực này và các mô hình tiết kiệm mới có thể khiến thị trường nhà ở có quy mô bền vững hơn./.

Theo vietnamplus