leftcenterrightdel
 Biểu tình diễn ra với quy mô lớn trong suốt 2 tháng trên khắp Iran - Ảnh: Journal 24

Đây là kết quả của nhiều cuộc tuần hành do phụ nữ lãnh đạo diễn ra trên phạm vi toàn quốc kéo dài hơn hai tháng sau vụ cô Mahsa Amini bị lực lượng này bắt giữ với cáo buộc vi phạm quy định nghiêm ngặt về trang phục dành cho phụ nữ. Cô gái người Iran gốc Kurd 22 tuổi này đã tử vong vào ngày 16/9, chỉ 3 ngày sau khi bị cảnh sát đạo đức ở Tehran bắt giữ.

Những người biểu tình đã đốt khăn trùm đầu, vốn là loại trang phục bắt buộc đối với tất cả phụ nữ tại Iran. Và kể từ khi xảy ra cái chết của cô gái trẻ Amini, ngày càng có nhiều phụ nữ kiên quyết không đội khăn trùm đầu.

Theo hãng tin ABC News, ít nhất 448 người, trong đó có 60 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu xảy ra, mặc dù con số thực được cho là cao hơn nhiều so với những gì được báo cáo. Ước tính có khoảng 14.000 người trên cả nước, bao gồm nhiều nhà báo và học sinh, đã bị bắt giữ với cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình, theo một công bố của Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 11/2022.

"Cảnh sát đạo đức là lực lượng không liên quan gì đến cơ quan tư pháp, và vì vậy, đã bị bãi bỏ", Tổng chưởng lý Mohammad Jafar Montazeri được hãng thông tấn ISNA dẫn lời cho biết.

Cảnh sát đạo đức đã xuất hiện từ cách đây 43 năm

Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã đề ra một số hình thức kiểm soát nghiêm ngặt về quy định trang phục đối với cả nam giới và phụ nữ, trong đó có quy định bắt buộc phụ nữ phải mang khăn trùm đầu (hijab).

Cảnh sát đạo đức kiểm tra cách ăn mặc của phụ nữ khi họ đang di chuyển trên đường. Ảnh chụp năm 2007 - Ảnh:
Cảnh sát đạo đức kiểm tra cách ăn mặc của phụ nữ khi họ đang di chuyển trên đường. Ảnh chụp năm 2007 - Ảnh: AFP

Phụ nữ bị kiểm soát theo nhiều cách khác để đảm bảo họ phải tuân thủ luật này. Các bé gái từ bảy tuổi sẽ không được đi học nếu các em “không mặc quần áo phù hợp”, bệnh nhân nữ không được nhập viện nếu họ không đội khăn trùm đầu, phụ nữ không nhận được phục vụ khi vào giao dịch tại ngân hàng hay bất kỳ tổ chức nào nếu họ không tuân thủ luật mang khăn trùm đầu.

Lực lượng cảnh sát đạo đức bắt đầu tuần tra từ năm 2006 để giám sát việc thực thi quy định về trang phục, trong đó có yêu cầu phụ nữ phải mặc quần áo dài, nghiêm cấm mặc quần đùi, quần jean rách và các loại quần áo khác được coi là không đứng đắn.

Thông báo về việc bãi bỏ các đơn vị này được đưa ra một ngày sau khi ông Montazeri cho biết, cả quốc hội và cơ quan tư pháp đang thảo luận về việc liệu có cần thay đổi luật yêu cầu phụ nữ phải đội khăn trùm đầu hay không. Tuy nhiên, khả năng cao là sẽ không có sự thay đổi nào bởi đội khăn trùm đầu là một nội dung bắt buộc được quy định trong Luật Cộng hòa Hồi giáo.

Theo phụ nữ TPHCM