Giờ đây, quốc gia châu Âu này đang trở thành điểm nóng Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục, với hơn 12.000 ca nhiễm và ít nhất 827 ca tử vong, cao hơn rất nhiều so với hai điểm nóng khác là Iran và Hàn Quốc, cũng như tất cả quốc gia châu Âu khác.
Nhằm ngăn Covid-19 bùng phát mạnh hơn, chính quyền Thủ tướng Giuseppe Conte đã đưa ra một loạt biện pháp quyết liệt chưa từng thấy ở quốc gia này trong thời hiện đại: phong tỏa toàn quốc ít nhất tới ngày 3/4, thậm chí việc tổ chức đám tang và đám cưới đều bị cấm.
|
Cảnh sát tuần tra bên ngoài đấu trường La Mã ở Rome, vùng Lazio sau lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 9/3. Ảnh:AFP. |
Một lý do quan trọng cho biện pháp quyết liệt này là Covid-19 đã "nhấn chìm" hệ thống y tế của Italy, đặc biệt là miền bắc, nơi dịch bùng phát mạnh nhất. Hơn 80% số giường bệnh ở vùng Lombardy được dành cho bệnh nhân nhiễm nCoV, khoa chăm sóc đặc biệt luôn rơi vào tình trạng quá tải, nhiều ca phẫu thuật chưa cần thiết bị hủy để nhường chỗ cho người nhiễm nCoV. Những câu chuyện về việc bác sĩ Italy phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị vì quá tải được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.
Nhưng ẩn sau những số liệu chính thức về Covid-19 là cuộc khủng khoảng nghiêm trọng hơn trên phạm vi cả nước. Những thiệt hại ngoài dự kiến do hệ thống y tế quá tải thậm chí còn lớn hơn rất nhiều so với số người chết vì nCoV đang gia tăng mỗi ngày. Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, bệnh nhân ung thư, HIV hay những đứa trẻ cần tiêm vaccine hiện ít có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.
"Hầu hết hệ thống chăm sóc sức khỏe đều được tinh giản, nên khi số bệnh nhân tăng bất thường, các nguồn lực nhanh chóng cạn kiệt. Nếu ứng phó quá chậm, bạn sẽ gặp rắc rối", Richard Neher, nhà nghiên cứu tại Đại học Basel, Thụy Sĩ, chuyên nghiên cứu về mô hình Covid-19 gây áp lực lên hệ thống y tế, cho hay.
"Điều rất rõ ràng là nếu tốc độ lây lan nCoV không chậm lại, các hệ thống y tế đều sẽ quá tải", ông nói thêm.
Hồi đầu tháng 2, Italy chỉ ghi nhận vài ca nhiễm nCoV. Nhưng tới 23/2, giới chức Italy cho biết có 76 trường hợp nhiễm bệnh. Hai ngày sau, con số này nhảy vọt lên 229. Kể từ đó, số người chết và nhiễm nCoV ở Italy tăng lên theo cấp số nhân và nhiều trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo ở Nigeria, Thụy Sĩ, Brazil và Tây Ban Nha có nguồn gốc từ quốc gia châu Âu này.
Số ca nhiễm nCoV tăng chóng mặt khiến giới chức Italy vội vã đưa ra hàng loạt biện pháp quyết liệt không thua kém Trung Quốc để kiểm soát virus. Ở miền bắc Italy, nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, tôn giáo đều bị hủy và các trường đại học đóng cửa. Bất kỳ ai tự ý đến và rời các thị trấn phong tỏa ở Lombardy đều đối mặt với án phạt.
Chưa rõ tại sao Covid-19 ở Italy lại bùng phát nhanh hơn các quốc gia châu Âu khác, nhưng có vài giả thuyết được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng số ca nhiễm tăng nhanh vào thời điểm đó là do vùng Lombardy đã thực hiện chiến dịch xét nghiệm hàng loạt, trong khi nhiều quốc gia khác chậm trễ trong việc phát hiện các ca bệnh.
Một giả thuyết khác cho rằng Covid-19 lây lan trong hệ thống bệnh viện trước khi các bác sĩ phát hiện, khiến dịch bùng phát nghiêm trọng hơn. Khoảng 10% nhân viên y tế ở Lombardy 5% trên cả nước đã nhiễm nCoV.
Cũng có giả thuyết cho rằng dân số già chính là gánh nặng của Italy trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi đây chính là đối tượng dễ bị nCoV tấn công nhất. Cùng với sự gia tăng nhanh ca nhiễm, dân số già chính là phép thử đối với hệ thống y tế của quốc gia này.
"Chúng tôi nhận thấy có tới 10% số ca dương tính với nCoV phải điều trị trong khoa hồi sức cấp cứu", các bác sĩ Italy cảnh báo trong một bức tâm thư. "Chúng tôi muốn truyền đi một thông điệp rằng: Hãy sẵn sàng!".
Những gì đang xảy ra ở Italy có thể sẽ là kịch bản tương lai của bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác. Câu chuyện của Lombardy, một trong những vùng giàu có nhất châu Âu, cho thấy Covid-19 có thể dẫn tới một cuộc khủng toàn diện chỉ sau một đêm bùng phát nếu giới chức chuẩn bị và phản ứng quá chậm. Nhiều người tin rằng Mỹ sẽ sớm phải đương đầu với kịch bản tương tự.
Xét nghiệm nCoV ở Mỹ cho đến nay diễn ra một cách chậm chạp, nhưng nhiều chuyên gia dự kiến số ca nhiễm ở đây sẽ còn tăng cao khi giới chức y tế bắt đầu xét nghiệm nCoV trên phạm vi rộng hơn.
Những dự đoán về ổ dịch ở bang Washington, nơi ghi nhận 179 ca nhiễm, có thể giải thích cho điều trên. Theo Trevor Bedford, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, Covid-19 có thể lây lan ở Seattle từ giữa tháng 1, rất lâu trước khi ca nhiễm đầu tiên được báo cáo.
Tính tới ngày 10/3, ông và các cộng sự ước tính có khoảng 1.100 ca nhiễm ở riêng Seattle. "Dữ liệu về Seattle cho thấy tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng những không được phát hiện. Nó cho chúng tôi thấy Covid-19 có thể xuất hiện ở những người không bao giờ nghĩ họ nhiễm bệnh", Emma Hodcroft, cộng sự của Bedford, nói.
Đây mới chỉ là dự đoán ở phạm vi bang Washington. Khả năng xét nghiệm nCoV trên khắp nước Mỹ còn nhiều hạn chế. Tới ngày 8/3, Mỹ mới tiến hành xét nghiệm cho 1.700 người, quá ít so với con số 50.000 người ở Italy và 23.000 người ở Anh.
|
Phòng cấp cứu tạm thời tại một bệnh viện ở Brescia, miền bắc Italy. Ảnh:AP. |
Một nghiên cứu về quy mô của Covid-19 ở Mỹ ước tính có 9.484 ca nhiễm nCoV ở Mỹ tính đến 1/3, cao gần gấp 10 lần so với hơn 1.000 ca được báo cáo.
"Nhìn vào tất cả bằng chứng, phân tích, tôi tin chúng ta còn có rất nhiều ca nhiễm chưa được phát hiện. Họ đang âm thầm lây nhiễm cho cộng cồng, cho nhiều khu vực và quốc gia", Lawrence Gostin, chuyên gia toàn cầu tại Đại học Georgetown, nhận định.
Nếu số ca nhiễm nCoV tăng gấp đôi mỗi tuần giống như ở Italy hiện giờ, Mỹ sẽ sớm phải đối mặt với khủng hoảng.
"Tôi cho rằng những gì đã xảy ra ở Italy cho thấy nếu virus có cơ hội lây lan mà không bị phát hiện, rất khó có thể khắc phục được hậu quả. Sự vỡ trận của Italy chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với phần còn lại của châu Âu và Mỹ", Hodcroft nói.
Theo vnexpress