Sau cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia dự báo ngày càng lạc quan rằng, sản lượng thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm nay và sau đó. Tuy nhiên, sự phát triển sắp tới sẽ được phân bổ không đồng đều, cả bên ngoài và bên trong các nền kinh tế. Dù sự phục hồi là hình chữ V (sự trở lại mạnh mẽ với mức tăng trưởng trên tiềm năng), hình chữ U (một phiên bản ốm yếu hơn hình chữ V) hay hình chữ W (suy thoái kép) sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố trên các nền kinh tế khác nhau và các khu vực.
Với việc SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia, một câu hỏi quan trọng là liệu sự xuất hiện của các chủng virus độc hại mới có kích hoạt những chu kỳ dừng - tiến lặp lại hay không, như chúng ta đã thấy trong một số trường hợp nền kinh tế tái mở cửa quá sớm. Một nguy cơ đặc biệt đáng ngại là ngày càng có nhiều biến thể kháng vắc-xin xuất hiện, làm tăng tính cấp bách của các nỗ lực tiêm chủng, vốn đến nay vẫn còn quá chậm ở nhiều khu vực.
Ngoài virus còn có một số rủi ro kinh tế liên quan cần xem xét. Sự phục hồi chậm chạp hoặc không đủ mạnh có thể dẫn đến hình thành sẹo vĩnh viễn nếu quá nhiều doanh nghiệp phá sản và thị trường lao động bắt đầu biểu hiện hao hụt (tình trạng thất nghiệp kéo dài khiến người lao động không còn khả năng làm việc do các kỹ năng bị xói mòn). Một câu hỏi khác được đặt ra là các công ty và các hộ gia đình nợ nần nhiều sẽ được xóa nợ bao nhiêu và liệu tác động này có được bù đắp hoàn toàn bằng việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén khi người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm trong thời gian đại dịch hay không.
Các quốc gia trên khắp toàn cầu đang nỗ lực dập dịch và vực dậy nền kinh tế đất nước. Ảnh: Forbes
Một lĩnh vực đáng quan tâm khác là chính trị - xã hội: liệu bất bình đẳng gia tăng có trở thành một nguồn gây bất ổn thậm chí nghiêm trọng hơn và làm giảm toàn bộ nhu cầu hay không? Phần lớn sẽ phụ thuộc vào quy mô, phạm vi và tính bao trùm của các chính sách hỗ trợ thu nhập và chi tiêu của những người bị bỏ lại phía sau. Tương tự như vậy, vẫn phải xem liệu các biện pháp kích thích chính sách vĩ mô (tiền tệ, tín dụng và tài khóa) được thực hiện cho đến nay sẽ là đủ, chưa đủ hoặc thực sự quá mức, dẫn đến lạm phát và kỳ vọng lạm phát tăng mạnh trong một số trường hợp hay không.
Theo báo Project Syndicate, khi tính đến tất cả những bất ổn này, sự phục hồi hiện tại có vẻ như sẽ mạnh hơn ở Mỹ, Trung Quốc và các thị trường châu Á mới nổi, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc. Tại Mỹ, việc suy giảm các ca nhiễm mới, tỷ lệ tiêm chủng cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng lên, các tác động sâu rộng của việc mở rộng tài chính và tiền tệ sẽ thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trong năm nay.
Ở đây, rủi ro chính là "quá nóng". Sự gia tăng lạm phát gần đây có thể kéo dài hơn dự đoán của Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các thị trường tài chính băng giá hiện nay có thể trải qua một đợt điều chỉnh, do đó làm suy yếu niềm tin.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới có GDP tăng trưởng trong năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồ họa: BBC
Ở Trung Quốc và các nền kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nước này, sự phục hồi có được phần lớn sức mạnh nhờ các cơ quan chức năng thành công trong việc ngăn chặn sớm virus cùng hiệu ứng của kích thích vĩ mô, tất cả đã cho phép nhanh chóng tái mở cửa và khôi phục niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, mức nợ và đòn bẩy cao ở một số phần thuộc cả khu vực công và tư nhân của Trung Quốc sẽ gây rủi ro khi Bắc Kinh cố gắng duy trì tăng trưởng mạnh hơn trong khi kiềm chế tín dụng quá mức. Nói rộng hơn, viễn cảnh về cạnh tranh leo thang - một cuộc chiến tranh lạnh trầm trọng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc và toàn cầu, đặc biệt nếu nó dẫn đến sự tách rời nền kinh tế hoàn toàn và chủ nghĩa bảo hộ mới.
Châu Âu còn tồi tệ hơn khi đã trải qua một cuộc suy thoái kép trong quý cuối cùng của năm 2020 và quý đầu tiên của năm 2021, do một làn sóng lây nhiễm và phong tỏa mới. Sự phục hồi của châu lục sẽ vẫn yếu trong quý thứ hai, nhưng tăng trưởng có thể tăng tốc trong nửa cuối năm nay nếu tỷ lệ tiêm chủng tiếp tục tăng và chính sách vĩ mô vẫn còn phù hợp. Song, việc loại bỏ dần các kế hoạch phức tạp và các bảo lãnh tín dụng khác nhau quá sớm có thể gây ra sẹo lâu dài và sự hao hụt nhiều hơn.
GDP của các nền kinh tế châu Âu trong năm 2020 và dự báo trong năm 2021 đều bị sụt giảm so với mức đạt được vào quý 4/2019 (tính là 100%), thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Nguồn: Ủy ban châu Âu, RBC Capital Markets
Hơn nữa, nếu không có những cải cách cơ cấu cần thiết trong thời gian dài, các vùng trong khu vực đồng euro sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tiềm năng thấp và tỷ lệ nợ công cao. Chừng nào Ngân hàng Trung ương châu Âu còn tiếp tục mua tài sản, chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ (ví dụ như chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Đức và Italia) có thể vẫn ở mức thấp. Song, việc hỗ trợ tiền tệ cuối cùng sẽ cần phải được loại bỏ dần dần và thâm hụt sẽ cần được giảm bớt. Và bóng ma về những đảng theo chủ nghĩa dân túy đang tìm cách khai thác cuộc khủng hoảng sẽ không ngừng xuất hiện ở châu Âu.
Nhật cũng tái khởi động chậm hơn nhiều. Sau khi áp phong tỏa để khống chế làn sóng lây nhiễm mới, nước này đã chứng kiến mức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm nay và đang phải vật lộn để giữ cho Thế vận hội Olympic mùa hè ở Tokyo diễn ra đúng kế hoạch ban đầu. Đất nước mặt trời mọc cũng đang rất cần cải cách cơ cấu để thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng và cho phép củng cố tài khóa. Khoản nợ công khổng lồ của nước này cuối cùng có thể trở nên không bền vững, bất chấp quá trình tiền tệ hóa liên tục của Ngân hàng Trung ương Nhật.
Cuối cùng, triển vọng còn mong manh hơn đối với nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi mật độ dân số cao, hệ thống y tế yếu hơn và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn sẽ tiếp tục cho phép virus lây lan. Ở nhiều nước trong số này, tâm lý kinh doanh và tiêu dùng bị suy giảm. Thu nhập từ du lịch và kiều hối cạn kiệt. Tỷ lệ nợ cao và có thể không bền vững, điều kiện tài chính eo hẹp do chi phí đi vay cao hơn và đồng tiền yếu hơn. Hơn nữa, họ hiện chỉ có không gian hạn hẹp cho việc nới lỏng chính sách và trong một số trường hợp, uy tín chính sách có thể bị phá hủy vì các hoạt động chính trị dân túy.
Ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế lớn khác của thế giới đều bị tăng trưởng âm vì Covid-19 trong năm 2020. Biểu đồ do World Bank công bố tháng 1/2021
Trong số các nền kinh tế gặp khó khăn hơn cần theo dõi là Ấn Độ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nam Phi, nhiều khu vực thuộc vùng châu Phi cận Sahara và các khu vực mong manh, phải nhập khẩu dầu mỏ ở Trung Đông. Nhiều quốc gia đang trải qua khủng hoảng kinh tế, chứ không đơn thuần là suy thoái kinh tế. Hơn 200 triệu người có nguy cơ tái nghèo. Ngoài những bất bình đẳng này, các quốc gia dễ bị nạn đói và bệnh tật tấn công nhất cũng có xu hướng đối mặt với mối đe dọa lớn nhất từ sự biến đổi khí hậu và do đó sẽ vẫn là những nguồn bất ổn tiềm tàng.
Trong khi niềm tin tổng thể đang hồi phục, một số thị trường tài chính lại hoạt động sôi nổi một cách phi lý và tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng như sự không chắc chắn. Cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể sẽ dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia. Càng nhiều nhóm dễ bị tổn thương như vậy sót lại, nguy cơ bất ổn xã hội, chính trị và địa chính trị trong tương lai càng lớn.
Theo premium.vietnamnet