Kết hợp truyền thống và hiện đại: Hướng đi mới của âm nhạc Việt
Cập nhật lúc 09:28, Thứ hai, 15/01/2024 (GMT+7)
Sự kết hợp văn hóa, nghệ thuật truyền thống với âm nhạc hiện đại ngày càng được các nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất âm nhạc chú trọng, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ. Sự giao thoa độc đáo này bước đầu đã gây ấn tượng với khán giả quốc tế.
Hợp thời và độc đáo
Ngày càng nhiều nghệ sĩ, nhà sản xuất trẻ quan tâm đến việc kết hợp văn hóa, nghệ thuật truyền thống với âm nhạc hiện đại, từ việc sử dụng nhạc cụ dân tộc như điểm nhấn, đến khai thác yếu tố dân gian trong giai điệu, nội dung, MV… Đây là hướng đi đúng để đưa âm nhạc Việt vượt khỏi biên giới, đến với khán giả quốc tế.
|
|
Nhạc sĩ Dzung kết hợp rock và các làn điệu truyền thống tại Lễ hội âm nhạc Hò Dô 2022 - ảnh do nhân vật cung cấp |
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ca sĩ/nhà sản xuất âm nhạc mess. (Vũ Phương Thảo) cho biết: “Internet đã thay đổi rất nhiều cách thức hoạt động của nghệ sĩ. Giờ đây, họ có thể nắm bắt thị hiếu người nghe tốt hơn để tạo ra thứ âm nhạc dễ tiếp cận hơn với công chúng”. Thông qua các nền tảng nghe nhạc trực tuyến nổi tiếng như Spotify, Apple Music…, những cách ngăn về mặt địa lý đã được thu hẹp. Chẳng hạn, hằng tháng có hơn 1 triệu tài khoản nghe tác phẩm của Hoàng Thùy Linh trên Spotify. Theo thống kê, khán giả Philippines và ấn Độ chỉ xếp sau khán giả Việt Nam.
Năm 2023, các lễ hội âm nhạc, tour diễn… đã chào đón nhiều siêu sao tầm cỡ. Đây là cơ hội để khán giả nước ngoài biết Việt Nam đang dần chuyển mình, trở thành điểm đến tiềm năng thưởng thức nghệ thuật. Các lễ hội âm nhạc thường niên như Monsoon hay Hò Dô đã dành cơ hội cho nhiều dự án thể hiện tính dân tộc. Chẳng hạn tại Monsoon năm nay, các dự án kết hợp giữa dân ca, quan họ với beatbox, hip hop của Limebócx; dự án kết hợp jazz với chất liệu dân ca, quan họ mang tên Jazz Duyên của Quyền Thiện Đắc, Hoàng Tùng… đã đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ thể nghiệm ngoài nước. Hay ở Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, dự án Dzanca “rock hóa” các làn điệu dân ca của Dzung cũng tạo ấn tượng tốt.
Số dự án có sự giao thoa truyền thống và hiện đại đang gia tăng. Có thể kể Vũ trụ cò bay kết hợp dân ca 3 miền, cải lương, các chất liệu truyền thống của Phương Mỹ Chi và DTAP, Dzanca, Jazz Duyên, Những khúc ca Việt cổ của Lê Cát Trọng Lý (theo dấu những bài hát truyền miệng của các dân tộc ít người), kết hợp rap với cải lương của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, Wowy, Hoàng Dũng, Hứa Kim Tuyền, LOI CHOI: The Neo Pop Punk của Wren Evans (kết hợp boléro với các dòng nhạc thời thượng)… Tất cả mang đến những sự giao thoa vừa hợp thời vừa độc đáo.
Cần nhiều nỗ lực hơn
Tuy có lợi thế từ những nền tảng xuyên biên giới, vấn đề là làm sao để những tác phẩm này có thể bật lên, không bị “bão hòa” trong “kho nhạc” khổng lồ của các nền tảng này. mess. chia sẻ: “Cơ hội cũng là khó khăn, đòi hỏi giới sáng tạo phải làm sao để đặc tính văn hóa Việt Nam khi “hội nhập” không bị mờ nhạt. Đây là câu hỏi mà tất cả những người hoạt động âm nhạc tại Việt Nam đều mong muốn tìm được câu trả lời”. Dẫu vậy, theo cô, âm nhạc truyền thống Việt Nam rất đa dạng, trải khắp đất nước. Nếu nghệ sĩ Việt có thể khai thác được chất liệu “bền vững” này thì đây sẽ là hướng đi thú vị. Để hiện thực hóa điều đó, nghệ sĩ phải vững tâm cũng như tin vào con đường mình chọn lựa.
|
|
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô, chương trình mang nhiều cơ hội để quảng bá âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế |
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh - một trong những người “nặng lòng” với văn hóa Việt - cũng đã thực hiện rất nhiều dự án mang màu sắc new age và world music để giới thiệu bản sắc Việt với khán giả trẻ và bạn bè quốc tế. Anh bày tỏ: “ở thời đại này, tự thân nghệ sĩ phải ý thức tìm tòi và sáng tạo, thông qua các nền tảng số, mạng xã hội để tạo ra thật nhiều sản phẩm âm nhạc”.
Không chỉ cần ý thức về việc quảng bá văn hóa Việt Nam, giới sáng tạo phải luôn trau dồi kỹ năng, vừa phải làm sao để các yếu tố bản địa rõ nét, nhưng cũng phải đáp ứng thị hiếu chung. Bởi lẽ, việc sử dụng quá mức chất liệu dân tộc cũng có thể tạo hiệu ứng ngược, khiến người nghe khó cảm nhận, khó hiểu hết tiếng nói riêng của một nền văn hóa. Điều này đòi hỏi người làm nhạc phải biết chọn lọc chất liệu nổi trội và phù hợp để truyền tải thông điệp mình muốn gửi gắm.
mess. bày tỏ: “Tôi mong đợi những kế hoạch hỗ trợ cho những người làm văn hóa được tiếp cận với những chất liệu truyền thống qua các chương trình trau dồi văn hóa bản địa, cũng như những chương trình hợp tác, giao lưu quốc tế. Từ đó, người làm văn hóa, nhất là lớp trẻ có thể khám phá những điểm tương đồng, khác biệt trong những nét văn hóa bản địa, phát huy được những điểm nhấn của văn hóa dân tộc trong tất cả các loại hình nghệ thuật”.
Theo phụ nữ TPHCM