Hát bội dưới góc nhìn của người trẻ
Trung tuần tháng Bảy này, triển lãm trang phục và những sản phẩm lấy cảm hứng từ hát bội do nhóm sinh viên của Đại học FPT sẽ diễn ra. Các bạn trẻ cũng giới thiệu một phim ngắn dài 8-10 phút về hát bội. Đây là các hoạt động nằm trong dự án Trăm năm một cõi, nhằm quảng bá nghệ thuật hát bội đến giới trẻ.
|
Các nghệ sĩ (từ trái sang): Bảo Châu, Hoàng Tuấn, Hà Trí Nhơn, Ngọc Giàu tham gia buổi chụp ảnh cho dự án Trăm năm một cõi - ẢNH: ĐỖ THÀNH TÀI |
Trước đó, Hát bội 101 được Hiếu Văn Ngư tổ chức với các hoạt động đa dạng như: đăng bài viết, infographic trên website, fanpage của Hiếu Văn Ngư; workshop trải nghiệm các chất liệu của hát bội như vẽ mặt, y quan, phục trang, âm nhạc…; chương trình tọa đàm với sự dẫn dắt của các nhà nghiên cứu để giới thiệu và giải đáp thắc mắc xoay quanh hát bội một cách dễ tiếp cận nhất; lớp thưởng thức Hát bội 101 (online và offline).
Dự án Vẽ về hát bội đưa hát bội đến với người trẻ thông qua một triển lãm với 44 tác phẩm do 2 họa sĩ trẻ Huỳnh Kim Nguyên và Phùng Nguyên Quang khởi xướng. Dự án có sự tham gia của 40 họa sĩ trẻ cùng 100 nhân sự từ Nam chí Bắc cùng thực hiện, gây tiếng vang lớn vào tháng 2/2018. Toàn bộ tác phẩm sau đó được đưa lên mạng để công chúng thưởng lãm. Nối tiếp thành công của triển lãm, các bạn trẻ cũng cho ra mắt sách ảnh cùng tên vào tháng 10/2018.
Giữ lửa ngàn năm của nhóm sinh viên Trường cao đẳng thực hành FPT Polytechnic TPHCM tổ chức giúp công chúng thưởng thức những tiết mục làm nên tên tuổi của đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh; nghe chia sẻ, giải đáp những thắc mắc từ các nghệ sĩ hát bội; chiêm ngưỡng trang phục hát bội trong triển lãm…
Chương trình biểu diễn Vang vọng trống chầu của Echoing Drum vừa hướng đến việc quảng bá, vừa giúp công chúng thưởng thức hát bội, nghệ thuật diễn xướng Nam Bộ được làm mới, cũng từng gây chú ý vào năm 2020.
Hầu hết dự án đều xuất phát từ tấm lòng của người trẻ với nghệ thuật hát bội khi loại hình này đang đối mặt với nhiều thách thức để tồn tại, phát triển. Trong đó, Trăm năm một cõi được đề xuất thực hiện sau khi 1 sinh viên được tham dự buổi nói chuyện với Nghệ sĩ ưu tú Hữu Danh, thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề này. Giữ lửa ngàn năm ra đời từ ký ức được đi xem hát bội ở quê với ông bà của các bạn sinh viên.
Câu nói: “Hát bội sau này cũng sẽ chết thôi” của Nghệ sĩ nhân dân Đinh Bằng Phi trong một talk show vào năm 2017 khiến 2 bạn trẻ là Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang trăn trở, muốn làm điều gì đó. Ban đầu, cả hai chỉ muốn thực hiện một dự án nhỏ, nhưng sau đó được nhiều người hưởng ứng, tham gia nên tổ chức với quy mô lớn hơn.
Mục tiêu chung của các dự án là giúp hát bội đến gần hơn với khán giả trẻ, ít nhất hiểu về hát bội để không nhầm lẫn với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Các dự án đều mang yếu tố mới mẻ, trẻ trung, giản lược bớt những yếu tố quá phức tạp để công chúng có thể tiếp thu dễ dàng.
Làm sao để đi đường dài?
Phần lớn các dự án đều do sinh viên hoặc các bạn trẻ thực hiện, có thể vì sự trăn trở, yêu thích, cá nhân và phục vụ cho một môn học nào đó. Vì thế, thời gian tồn tại của chúng chỉ trong vài tháng. Nguồn kinh phí hạn hẹp do họ tự xoay xở, nên khó có thể duy trì lâu dài. Trong các dự án đã thực hiện, chỉ có fanpage của Vẽ về hát bội thi thoảng vẫn còn cập nhật một số thông tin, tin tức, các bài viết cung cấp thông tin, phân tích về môn nghệ thuật này.
|
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh trong không gian triển lãm của dự án Giữ lửa ngàn năm, tổ chức tháng 3/2021 (ảnh: Fanpage Giữ lửa ngàn năm) |
Trong lần làm việc với các bạn trẻ ở dự án Giữ lửa ngàn năm, Hát bội 101, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh (đoàn hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh) đánh giá cao sự năng động, tư duy mới mẻ của các bạn trẻ. Nhờ đó, khoảng cách thế hệ được rút ngắn đáng kể, giúp công chúng trẻ dễ dàng tiếp nhận các kiến thức từ nghệ thuật hát bội.
Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh, ông Võ Hồ Hoàng Vũ (Giám đốc nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM) đều cho rằng việc quảng bá, truyền thông là công tác rất quan trọng để giới thiệu hát bội đến với công chúng, đặc biệt công chúng trẻ. Hiện tại, 2 đơn vị này dùng mạng xã hội để đăng hình ảnh, chia sẻ thông tin về các buổi biểu diễn đến công chúng. Nhưng đây chưa thể gọi là việc truyền thông thực thụ.
Ông Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, bài toán khó của nhà hát là hạn chế về kinh phí, nhân lực. Nhà hát vẫn “mở cửa” với các dự án của các bạn trẻ, để lan truyền hình ảnh của hát bội. Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh cũng luôn sẵn sàng góp sức với các dự án, với hy vọng ngày càng có nhiều người trẻ biết, nhớ hát bội. “Tuy nhiên, tôi cũng tiếc vì các dự án không thể đi đường dài” - Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Khanh nói.
Thực tế, để việc quảng bá được hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh thì hành động của một nhóm, một đơn vị là chưa đủ. Nhiều năm qua, TPHCM cũng có sự quan tâm nhất định đến loại hình này, đưa hát bội biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật, văn hóa lớn. Nhưng công tác truyền thông, quảng bá nhìn chung vẫn còn yếu.
Tháng 4/2022, chương trình Sắc - Ấn ngọc Nam phương ra mắt, dành phục vụ khách du lịch. Chương trình được đánh giá sáng tạo, giàu cảm xúc, được đầu tư khá chỉn chu, nhưng việc quảng bá vẫn còn hạn chế.
Anh Quốc Thái (khán giả 29 tuổi, TPHCM) từng có dịp đến Trung Quốc du lịch cách đây không lâu, cho biết mình ấn tượng với cách quảng bá nghệ thuật kinh kịch của quốc gia này. Ở nhiều điểm đến đều có pano quảng bá kinh kịch, tạo hiệu ứng nhắc nhớ cho du khách với những hình ảnh ấn tượng. Kinh kịch cũng được đưa vào sản phẩm cho các tour du lịch, giới thiệu cho du khách. Chương trình được dàn dựng cuốn hút, kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống.
Áp dụng công nghệ số cũng giúp cho việc quảng bá hiệu quả. Cách đây 1 năm, video quảng cáo của Genshin Impact - trò chơi nhập vai thế giới mở do Trung Quốc sản xuất - đã gây sốt trên toàn cầu, trong đó có sự xuất hiện của kinh kịch đã tạo được thiện cảm với hàng triệu người dùng. Công nghệ số cũng giúp tái hiện, tạo điều kiện cho công chúng ở xa tiếp cận với nhiều tài liệu văn hóa, nghệ thuật truyền thống của quốc gia này. Kinh kịch cũng được khai thác rất nhiều trong phim ảnh, âm nhạc… - những sản phẩm rất dễ bước vào đời sống công chúng.
Dĩ nhiên, để có được những động thái đồng loạt này, cần sự hợp lực từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là chính sách, chiến lược của cơ quan quản lý văn hóa.
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên (nguyên giảng viên Trường đại học Văn hóa TPHCM) cho rằng truyền thông, quảng bá theo các chiến lược, kế hoạch, tận dụng các nền tảng mạng xã hội là điều quan trọng. Nhưng theo bà, việc truyền miệng, xuất phát từ trải nghiệm thực tế của công chúng cũng quan trọng không kém.
“Để có được điều này thì sản phẩm văn hóa đó phải thật sự tốt, chất lượng, ấn tượng. Không gian thực hành, tồn tại của chúng cũng cần được quan tâm, phát triển hợp lý. Bản thân loại hình nghệ thuật đó cũng cần có sự thích nghi, thay đổi để phù hợp với thời đại, thực tế. Nhưng có đổi mới đến đâu vẫn phải nắm được tinh thần cốt lõi, quan trọng nhất để lưu truyền, không làm phai nhạt” - bà Mai Mỹ Duyên chia sẻ. Bà cũng ủng hộ việc thu hút người trẻ quan tâm, cùng xây dựng các dự án để mang đến tinh thần mới mẻ. Không ai khác, chính họ là thế hệ kế cận tiếp nối giữ gìn và phát triển hát bội.
Theo phụ nữ TPHCM