leftcenterrightdel
 Mô hình sân khấu hát bội thu nhỏ theo nguyên mẫu từ Đoàn Nghệ thuật Hát Bội - Tuồng Cổ Ngọc Khanh. (Nguồn: ICHCAP-UNESCO)

Bài viết, hình ảnh và video về mô hình các nhân vật trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam đang được trưng bày tại triển lãm “Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea” (Những danh tính khác: Mặt nạ ở Đông Nam Á và Hàn Quốc) ở thành phố Busan (Hàn Quốc).

Đây là triển lãm do ICHCAP-UNESCO và KF ACH thực hiện nhằm giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể có liên quan đến mặt nạ/ vẽ mặt từ Hàn Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á thông qua hơn 200 mặt nạ, trang phục và nội dung đa phương tiện (bài viết, hình ảnh, video).

Được biết, bài viết, hình ảnh và video về mô hình các nhân vật trong nghệ thuật Hát Bội Việt Nam do Hiếu Văn Ngư thực hiện.

Được thành lập từ năm 2020, Hiếu Văn Ngư – Cultura Fish là dự án khơi gợi nét đẹp của nghệ thuật Việt Nam trong lòng khán giả trẻ thông qua chuyện kể, workshops, khóa nhập môn thưởng thức và các sản phẩm ứng dụng.

Hiếu Văn Ngư là nhóm các bạn đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chia sẻ sự thương mến đối với các chất liệu nghệ thuật Việt Nam: Lục Phạm Quỳnh Nhi, Hà Thúc Đức Tùng, Vương Hoài Lâm, Josh Trombley, Tạ Ngọc Uyên Phương, Nguyễn Lê Thanh Thảo, Hà Hoàng Minh Trang, Trần Thị Minh Thùy...

Trong thông tin chia sẻ trên trang chính thức, Hiếu Văn Ngư cho biết, bên cạnh các nội dung được trình chiếu, ban tổ chức ICHCAP-UNESCO và KF ACH còn dụng tâm sử dụng tò he để nặn thành các nhân vật hát bội theo nguyên mẫu do các diễn viên từ Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong dự án lưu trữ cùng Hiếu Văn Ngư trước đó.

Ngoài ra, Ban tổ chức triển lãm còn thực hiện một mô hình sân khấu hát bội thu nhỏ theo nguyên mẫu từ Đoàn Nghệ thuật Hát Bội - Tuồng Cổ Ngọc Khanh mà Hiếu Văn Ngư từng giới thiệu trong trailer dự án “Hát bội 101”.

leftcenterrightdel
Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam đang được triển lãm tại Busan - Hàn Quốc. (Nguồn: ICHCAP-UNESCO) 

"Alternative Identities: Masks of ASEAN & Korea” do ICHCAP-UNESCO (Trung tâm mạng lưới và thông tin quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể khu vực châu Á-Thái Bình Dương trực thuộc UNESCO) và Korea Foundation ASEAN Culture House (Trung tâm nghiên cứu văn hóa Đông Nam Á tại Hàn Quốc (ACH) đồng tổ chức từ 26/4 - 23/7. Sau đó, triển lãm sẽ được tiếp tục tại thành phố Andong và Seoul từ tháng 9/2023.

Triển lãm gồm 5 phần: Giới thiệu nguồn gốc mặt nạ, giới thiệu các hình thức thực hành tín ngưỡng (shaman) và giải trí có sử dụng mặt nạ; Các truyền thuyết và mặt nạ Đông Nam Á qua các câu chuyện dân gian; Giới thiệu hát bội Việt Nam như một hình thức diễn xướng có sử dụng kỹ thuật vẽ mặt (gần với mặt nạ); Giới thiệu mặt nạ Philippines xuất hiện trong các lễ hội cùng các tác phẩm đương đại; Giới thiệu nghệ thuật Talchum Hàn Quốc.

Theo baoquocte