Ai Sakai, nhân viên văn phòng gần 30 tuổi sống ở Tokyo, cho biết hầu hết đồ đạc trong nhà cô đều là đồ cũ. Từ đồ gia dụng, nội thất, quần áo, mỹ phẩm... đều được cô mua với giá rẻ trên các ứng dụng rao bán đồ second-hand.

"Tôi đã nhìn thấy một bộ bàn ghế tại phòng trưng bày và rất thích nó. Vì vậy, ngay khi thấy món đồ cũ tương tự trên ứng dụng điện thoại, tôi đã mua ngay mà không hề do dự”.

Sakai kết hôn vào cuối năm 2018. 3 đôi giày và bộ váy cưới cô mặc trong hôn lễ cũng là đồ đã qua sử dụng, được Sakai mua với giá bằng 1/10 giá gốc.

“Tôi biết nhiều người thích đồ mới. Nhưng tôi lại thích đồ cũ vì nó rẻ hơn rất nhiều”.


Một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào tháng 3/2018 cho thấy 49% người Nhật không ngần ngại sử dụng đồ cũ.


                                                                                                                  Giới trẻ Nhật Bản chuộng đồ cũ vì giá rẻ.


Dữ liệu cũng cho thấy sự mở rộng của thị trường đồ đã qua sử dụng. Reuse Business Journal, một tạp chí chuyên về các doanh nghiệp tái chế, ước tính rằng người tiêu dùng đã chi khoảng 16 tỷ USD cho hàng hóa đã qua sử dụng trong năm 2016.

Con số này, không bao gồm mua xe và nhà đã qua sử dụng, tăng 40% trong 5 năm. Tạp chí từng dự kiến thị trường này sẽ đạt 17,7 tỷ USD vào năm 2020.

Một số chuyên gia cho rằng sự tiết kiệm của người tiêu dùng trẻ tuổi đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường đồ cũ.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm của chính phủ, số người trong độ tuổi 20-30 chọn tiết kiệm tiền thay vì tiêu xài đã tăng lên trong những năm qua. Điều này đặc biệt đúng khi đại dịch bùng phát dẫn đến hàng loạt khó khăn kinh tế, tài chính.

Thị trường khổng lồ


Nhật Bản có một thị trường đồ cũ khổng lồ và gần như bán mọi thứ: sách, trò chơi, đồ điện tử, quần áo, tạp chí, mỹ phẩm, đồ gia dụng…

Các cửa hàng đồ cũ ở Đức, Pháp hay một số nước khác hầu như bán đồ cũ theo đúng nghĩa đen. Đó là những món đồ thực sự cũ, đã sờn rách mà gần như không ai quan tâm đến.

Ngược lại, ở Nhật Bản, mọi thứ mà các cửa hàng đồ cũ cung cấp đều trong tình trạng rất tốt, thậm chí nhiều món đồ còn như mới.


                                                                                                                  Những chợ đồ cũ "gì cũng bán" ở Nhật Bản.


Chất lượng tốt từ lâu đã trở thành điểm cộng cho hàng hóa được sản xuất ở Nhật Bản. Nhưng trong một thị trường ít được chú ý hơn song quan trọng không kém, đồ second-hand ở Nhật Bản cũng rất được ưa chuộng.

“Vì vậy, ngay cả khi một thứ gì đó được sản xuất ở Trung Quốc, nếu nó được sử dụng ở Nhật Bản, mọi người ở nơi khác sẽ cho rằng nó thực sự tốt”, Rina Hamada của Reuse Business Journal giải thích.

Tại Nhật, văn hóa Mottainai (nghĩa gốc: thật lãng phí) đã phổ biến từ lâu, với mục đích hạn chế các vật dụng, đồ đạc, món hàng bị vứt xó, phí phạm, không được sử dụng.

Một số người cho rằng văn hóa Mottainai là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường đồ second-hand tại xứ sở mặt trời mọc.

Tuy nhiên, Shigeru Kobayashi, 65 tuổi, người sáng lập công ty kinh doanh đồ cũ Hamaya, không đồng ý quan điểm này.

“Ngày càng nhiều người Nhật Bản có tư duy Mottainai. Nhưng điều đó không tốt cho công ty của tôi. Nếu mọi người thực hành Mottainai, chúng tôi không có được hàng hóa trong tình trạng tốt, và sau đó chúng tôi không thể bán ra thị trường”.

Thời kỳ thắt lưng buộc bụng


Moe Miura, sống ở Tokyo, nói với Business of Fashion (BoF) rằng cô đã bán các sản phẩm đã qua sử dụng của Chanel, YSL Beauty và Clinique bằng Mercari, một nền tảng trực tuyến chuyên bán đồ cũ. Tất cả các mặt hàng của cô ấy đều cháy hàng trong vòng vài ngày.

“Gần đây, Nhật Bản có xu hướng chia sẻ và tôi cảm thấy như ý thức của mọi người đối với sự sạch sẽ cực đoan đã thay đổi”, cô nói.


                                                                                                                   Xu hướng dùng mỹ phẩm second-hand của phụ nữ xứ hoa anh đào.


Nhưng dường như có một số lý do khác giải thích tại sao giới trẻ Nhật Bản thích mua các sản phẩm đã qua sử dụng.

Lý do rõ ràng nhất là vấn đề tiền bạc. Theo BoF, thế hệ Millennials ở Nhật Bản nhìn chung sống tiết kiệm. Mua các sản phẩm đã qua sử dụng sẽ ít tốn kém hơn đáng kể so với việc chuyển sang dùng các sản phẩm xa xỉ.

Các thương hiệu như Shiseido và SK-II có giá cao nhưng khi các sản phẩm đã qua sử dụng, chúng có giá mềm hơn rất nhiều.

Theo Reuters, việc ngại chi tiêu của giới trẻ Nhật Bản xuất phát từ những khó khăn kinh tế liên quan đến công ăn việc làm không ổn định và thu nhập thấp hơn các thế hệ trước.

Năm 2016, khoảng 30% người lao động trong độ tuổi 25-34 cho biết họ đã phải chọn công việc tạm thời, part-time vì không tìm được nghề nghiệp ổn định.

Và mọi chuyện đang tồi tệ hơn do đại dịch Covid-19. Ngày 1/12/2020, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố báo cáo thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 10/2020 ở mức 3,1%, mức cao nhất kể từ tháng 5/2017.

Cụ thể, số lượng lao động thất nghiệp hoàn toàn tại Nhật Bản trong tháng 10 là 21,4 triệu người, tăng 80.000 người so với tháng 9.

Theo  Zing