"Halmennial", một thuật ngữ mới kết hợp cách diễn đạt chữ "bà" trong tiếng Hàn với thế hệ Millennial, đang trở thành từ khóa hot trên mạng xã hội khi giới trẻ xứ củ sâm bị hấp dẫn bởi phong cách sống hoài cổ.
Tìm kiếm cụm từ "đồ ăn của bà" bằng tiếng Hàn mang về hơn 24.000 bài đăng trên Instagram với nội dung liên quan.
Các món ăn sử dụng vừng đen, lá chè xanh, ngải cứu và những công thức nấu ăn truyền thống thường được người cao tuổi ưa chuộng nay đang được nhiều người trẻ học theo.
Cũng có hơn 2.800 bài đăng về "ngoại hình của bà ngoại" trên Instagram liên quan đến việc mặc áo len cardigan và váy dài nhăn nhúm mà các mẹ, các bà từng diện trước đây.
Phong cách này khá giống với Granny - từng là trend ăn mặc thời thượng trên thế giới.
Những người thuộc thế hệ Millennials ngày càng bị cuốn hút bởi "phong cách bà ngoại". Họ là tín đồ đam mê đồ cổ và thường nói về "ngày xưa đẹp đẽ" hoặc các nhân vật hoạt hình cũ.
Ca sĩ HyunA gây sốt khi diện áo bà ngoại.
Các chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 và cuộc suy thoái kinh tế gần đây đã khiến xu hướng mới lan truyền, tác động đến cả thực phẩm và thời trang của giới trẻ xứ kim chi.
Seo Yong-gu, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học nữ Sookmyung cho biết: "Sự lây lan không ngừng của Covid-19 đang khiến nhiều thanh niên 20 tuổi mất hy vọng về triển vọng trong tương lai".
Những người thuộc thế hệ Millennials, bị ảnh hưởng bởi thực tế khắc nghiệt, đang quay lại những ký ức cũ để tìm kiếm sự an ủi.
"Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp đang cho ra đời những sản phẩm nhằm khơi gợi nỗi nhớ của người tiêu dùng", giáo sư Seo nói.
"Áo của cha" bán chạy
Thực tế cơn sốt retro của giới trẻ Hàn Quốc đã bắt đầu manh nha từ năm 2018-2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, trào lưu này càng được ưa chuộng và phổ biến hơn.
Cảm giác hoài cổ có thể được cảm nhận rõ nhất tại chợ Dongmyo, một trong những chợ trời, bán đồ cũ lớn nhất ở thủ đô Seoul.
Vào một chiều thứ 6, Dongmyo chật kín khi nhiều người đổ về đây mua sắm từ quần áo theo kiểu vintage cho đến các món đồ gia dụng, thiết bị điện đã qua sử dụng, vài thứ trong số đó đã cũ, vỡ.
Theo ông Park Choon-ha, chủ của một cửa hàng quần áo trong khu chợ, lượng khách hàng đổ đến đây tăng gấp 9 lần sau khi Dongmyo được giới thiệu trong một số chương trình truyền hình nổi tiếng.
Những idol Kpop nhiệt tình lăng-xê cho "phong cách bà ngoại".
“Vào ngày cuối tuần, khách có thể đông hơn gấp 6 lần những ngày thông thường”, ông Park nói.
Áo của cha hay những kiểu áo khoác oversize, mang hơi hướm những năm 80-90 của thế kỷ trước là các mặt hàng bán chạy nhất tại hiệu đồ ông Park.
Lee Ok-young, một bà nội trợ 32 tuổi, gần đây đã mua một số món đồ cũ gợi nhớ những năm tháng tuổi thơ của cô như một chiếc bàn giống cái ở nhà ông bà và những chiếc đĩa xanh được sử dụng rộng rãi trong các quán ăn đường phố ở Hàn Quốc.
"Những ngày này, chúng tôi hiếm khi đi ăn ngoài do đại dịch nên tôi bắt đầu mua những món đồ cổ. Chúng khiến tôi cảm thấy như mình đang ở thời xưa, và đồ ăn trông ngon hơn khi chúng được trình bày trên các món đồ này", Lee nói.
Đằng sau cơn sốt retro
Theo The Korea Herald, hơn cả một câu chuyện thời trang, xu hướng retro của người trẻ xứ sở kim chi còn phản ánh nhiều vấn đề xã hội.
Nó không chỉ là cảm xúc hoài cổ mà còn là sự tò mò, khao khát sống chậm của những thanh thiếu niên sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ phát triển chóng mặt.
Nhà bình luận văn hóa Jung Duk-hyun lý giải xu hướng retro xuất phát từ sự mệt mỏi của thế hệ trẻ khi phải sống trong một thế giới phát triển quá nhanh.
"Granny food" và "Granny look" trở thành từ khóa hot trên mạng xã hội xứ Hàn.
“Đây là một trong những hiện tượng thể hiện sự chống đối hiện tại, một thời đại kỹ thuật số thay đổi quá nhanh. Mọi thứ bị lãng quên chóng vánh và không quá nhiều giá trị đọng lại”, ông Jung nói.
Còn Lee Hyang-eun, giáo sư tại khoa dịch vụ và thiết kế kỹ thuật tại Đại học nữ Sungshin, cho biết: "Sự phổ biến của văn hóa retro một phần do đại dịch. Thời kỳ khó khăn dường như đã khiến nhiều người mua những món đồ gợi nhớ về những ngày xưa vui vẻ của họ".
"Nhiều sản phẩm liên quan đến retro không đắt và hiệu quả về chi phí, đó là lý do nhiều người dễ dàng sử dụng chúng trong thời kỳ kinh tế khó khăn nói chung".
Theo Zing