Báo cáo trên đã công bố thực trạng đau lòng rằng, bạo lực gia đình bắt đầu với trẻ em gái từ 15 - 19 tuổi và 1/4 phụ nữ trẻ ước tính đã bị bạo hành ít nhất một lần trong đời. Tỷ lệ cao nhất và thường xuyên nhất là những người từ 30 - 39 tuổi. Theo đó, WHO ước tính rằng, trung bình có khoảng 736 triệu đến 852 triệu phụ nữ sẽ trải qua một số hình thức bạo lực tình dục hoặc thể chất trong đời.

Nghiên cứu được phân tích trên dữ liệu được công bố từ năm 2000 đến năm 2018 ở 161 quốc gia. Năm ngoái, Liên Hiệp Quốc dự đoán có thêm ít nhất 15 triệu trường hợp bạo lực gia đình trên khắp thế giới do các hạn chế của đại dịch COVID-19. WHO cho biết thêm, báo cáo này chỉ tập trung vào bạo lực thể chất và tình dục và lưu ý rằng tỷ lệ thực tế sẽ cao hơn nhiều nếu bao gồm các hình thức lạm dụng khác, chẳng hạn như bạo lực trực tuyến và quấy rối tình dục.

Mức độ bạo lực ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thường cao hơn. Nam Á và châu Phi cận Sahara có trẻ em gái và phụ nữ từ 15 - 49 tuổi bị bạn tình bạo lực cao. Cộng hòa Dân chủ Congo có tỷ lệ cao nhất với 47%, tiếp theo là Papua New Guinea (46%), Uganda (45%) và Liberia (43%). Tỷ lệ bạo lực thấp nhất ở Nam và Đông Âu, Trung và Đông Á. Ở Anh, 24% phụ nữ từ 15 - 49 tuổi từng bị bạn tình bạo hành.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết: Bạo lực đối với phụ nữ là vấn nạn phổ biến và nhức nhối ở mọi quốc gia, làm tổn hại đến hàng triệu phụ nữ và càng trầm trọng hơn bởi đại dịch. “Nhưng không giống như COVID-19, không thể ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ bằng vắc-xin. Chúng ta chỉ có thể chống lại nó bằng những nỗ lực quyết liệt và bền vững của các chính phủ, cộng đồng và cá nhân - nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội và dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau”, ông phát biểu.

Tiến sĩ Claudia García-Moreno, người phụ trách công tác của WHO về bạo lực đối với phụ nữ, nhấn mạnh các số liệu này nên là lời cảnh tỉnh đối với các chính phủ về tính cấp thiết của tình trạng này. Bà nói: “Cần cấp bách giảm kỳ thị giới tính, đào tạo các chuyên gia y tế để phỏng vấn những người sống sót với lòng trắc ẩn và xóa bỏ nền tảng của bất bình đẳng giới. Hãy bắt đầu bằng cách biến trường học thành những nơi an toàn”.

Nữ tiến sĩ này nói thêm, cần phải giáo dục giới tính toàn diện và các bài học về cách xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. “Tuy nhiên, về cơ bản, bạo lực đối với phụ nữ phải được coi là một vấn đề xã hội, nam giới và trẻ em trai phải cùng tham gia giải quyết”, García-Moreno nói. 

Anthony Davis, cố vấn của tổ chức từ thiện dành cho trẻ em Plan International tại Anh cùng quan điểm. Ông cho rằng, điều quan trọng là trẻ em gái phải được tiếp cận đầy đủ các nguồn lực và dịch vụ để giúp ngăn ngừa cũng như ứng phó các trường hợp bạo lực. Một phần quan trọng trong đó là làm việc trực tiếp với nam giới và trẻ em trai để hiểu quan điểm và lý do tại sao họ có những hành động bất công trên, cũng như hỗ trợ và trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ để có tiếng nói của mình.

Theo phunuonline