Nghiên cứu mang tính đột phá nói trên đã được dựa trên các cuộc khảo sát do Cục Thống kê Úc thực hiện trong hơn mười năm qua. Kết quả cho thấy khi phụ nữ có thể tạo ra thu nhập cao hơn một nửa tổng thu nhập của một cặp vợ chồng, thì họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng về cảm xúc - một dạng hành vi trong đó thủ phạm lăng mạ, làm nhục và kích động sự sợ hãi ở một cá nhân để kiểm soát nạn nhân - cao hơn 20%.


                                                                                              Chênh lệch về thu nhập của một cặp vợ chồng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình


Một nghiên cứu trước đây của Mỹ cũng cho thấy chênh lệch về thu nhập của một cặp vợ chồng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trong vào những vụ việc nghiêm trọng đến mức các nạn nhân phải vào bệnh viện hoặc ở các nhóm yếu thế trong xã hội.

Trong khi nghiên cứu nói trên của Úc, nhờ tập hợp dữ liệu trên phạm vi rộng trong hơn một thập niên, đã có thể đánh giá sự liên đới giữa yếu tố chênh lệch thu nhập với nạn bạo hành gia đình một cách toàn diện và khách quan hơn thông qua việc phân tích các các câu trả lời khảo sát từ những người ẩn danh. Nghiên cứu này cũng phân biệt các trường hợp bạo lực xảy ra một lần hoặc không thường xuyên với các trường hợp lạm dụng cảm xúc để đưa ra kết luận chính xác hơn.

Robert Breunig, Giám đốc Viện Chính sách thuế và chuyển nhượng thuộc Đại học Quốc gia Úc và đồng nghiệp của mình là Yinjunjie Zhang cũng đã phát hiện ra theo độ tuổi, thu nhập hoặc nơi sinh ra thì bất cứ khi nào phụ nữ kiếm được nhiều hơn người hôn phối của họ thì bạo lực gia đình có nguy cơ gia tăng.

“Khi tỷ trọng thu nhập của phụ nữ trong thu nhập của hộ gia đình tăng lên nhưng vẫn ở mức dưới mức một nửa, thì gần như không có sự thay đổi nào về mức độ họ bị lạm dụng thể chất và tinh thần. Chỉ khi các chuẩn mực, quan niệm về giới bị vi phạm, thì tình trạng bạo lực thể xác và lạm dụng cảm xúc đối với phụ nữ mới tăng lên. Chuẩn mực về giới có vẻ là một yếu tố chi phối khá mạnh đến tình trạng này ở nhiều nhóm nhân khẩu học khác nhau”, các nhà nghiên cứu giải thích. Họ cũng cho biết thêm, dù tỷ lệ thu nhập của cá nhân so với thu nhập của hộ gia đình giữa các giới tính có thay đổi thế nào, thì cũng không có sự gia tăng bạo lực hoặc lạm dụng cảm xúc đối với nam giới.

Cuối tháng 3, Thủ tướng Scott Morrison của Úc đã công bố những thay đổi lớn trong các bộ, trong đó có việc bổ sung các vị trí mới như Bộ trưởng An toàn của phụ nữ và Bộ trưởng An ninh kinh tế phụ nữ.

Vào tuần trước, một nghiên cứu của Trung tâm Kinh tế Bankwest Curtin và Cơ quan Bình đẳng giới ở công sở cũng cho biết có thể phải mất đến 26 năm để Úc thu hẹp hoàn toàn khoảng cách về thu nhập giữa các giới và một số ngành có khả năng không bao giờ đạt đến điều này.

Giáo sư Breunig và Tiến sĩ Zhang cho biết nghiên cứu nói trên đã kiến nghị chính phủ Úc xem xét kỹ các chương trình hành động mà họ đã xây dựng để giải quyết tình trạng phụ nữ bị lạm dụng. “Nếu chỉ tạo thêm sức mạnh về kinh tế cho phụ nữ không thôi thì vẫn chưa đủ để làm giảm nạn bạo lực đối với họ, mà chính phủ cần phải có nhiều nỗ lực để tạo ra sự thay đổi văn hóa và chuẩn mực về giới”, các nhà nghiên cứu chia sẻ quan điểm.

Theo phunuonline.com.vn