leftcenterrightdel
 

Mùa giải Nobel 2022 đã khếp lại, cái tên của 12 cá nhân và 2 tập thể đoạt giải Nobel năm 2022 trong cả 6 lĩnh vực đã được công bố. Dù đa dạng về lĩnh vực hoạt động, 12 cá nhân kể trên có chung đặc điểm: Là người da trắng, đến từ Mỹ hoặc châu Âu.

Trong số này, tới 10 người là nam giới. Hai người phụ nữ còn lại được trao giải là nhà văn Annie Ernaux và nhà hóa học Carolyn R. Bertozzi.

Thiếu tính đại diện đã là thực trạng của giải Nobel kể từ khi ra đời đến nay. Thống kê cho thấy số lượng nam giới đạt giải - đặc biệt trong ba lĩnh vực khoa học tự nhiên là y - sinh, vật lý và hóa học - cao hơn hẳn nữ giới. Các nhà khoa học ở các nước phát triển cũng dễ giành giải hơn các nước đang phát triển.

“Khi tôi học đại học tại Nam Phi, trường tôi treo ảnh của tất cả người từng đoạt giải Nobel hóa học. Tôi ngưỡng mộ họ và nghĩ: Điều này thật tuyệt vời”, ông Marc Zimmer, giáo sư hóa học tại Đại học Connecticut (Mỹ), chia sẻ với Zing.

“Nếu bạn là phụ nữ, là người da màu hoặc có điểm khác biệt so với họ, bạn nhìn vào những người đàn ông này, nghĩ rằng: ‘Mình sẽ không bao giờ làm được điều này’. Tôi nghĩ đây là vấn đề”, vị giáo sư nhận xét.

Sự chênh lệch rõ ràng

Trong số 959 cá nhân đoạt giải Nobel tính từ năm 1901 đến 2022, 898 người là nam giới và chỉ có 61 người là nữ giới, theo thống kê của Statista và Zing. Xét về quốc tịch, 19 trong số 20 quốc gia dẫn đầu về số lượng giải Nobel là nước phát triển, chủ yếu nằm ở Bắc Mỹ hay châu Âu. Chỉ có Ấn Độ là nước đang phát triển duy nhất có tên trong danh sách.

“Tôi không nghĩ đây là lỗi trong quá trình lựa chọn người đoạt giải Nobel. Đây là vấn đề lớn hơn”, giáo sư Zimmer nhận định.

Giáo sư Marja Makarow, Chủ tịch Viện Hàn lâm châu Âu (Academia Europaea), cho rằng đây có thể là nguyên nhân mang tính hệ thống đối với giải Nobel.

“Nhiều giải thưởng được trao cho các nghiên cứu khoa học được khởi động từ hàng thập kỷ trước đây, khi mà số lượng nhà khoa học nữ còn khá ít”, bà nhận định với Zing.

Theo vị giáo sư, việc thiếu nữ giới đoạt giải Nobel không chỉ gây ra tác động tiêu cực với những phụ nữ muốn theo đuổi con đường nghiên cứu, mà còn khiến thế giới có thể mất đi những sáng chế mang tính bước ngoặt - vốn phụ thuộc vào các nghiên cứu cơ bản. “Không có những ‘ngôi sao’ nghiên cứu là nữ thì cũng sẽ không có những nhà sáng chế nữ”, bà nói.

Trong khi đó, ông Zimmer tỏ ra lạc quan với triển vọng số lượng nữ giới đoạt giải Nobel sẽ gia tăng trong tương lai.

“Ngày càng nhiều phụ nữ có cơ hội học ở các trường đại học lớn, làm việc tại 50 đại học top đầu thế giới và đã có danh tiếng”, ông nói. “Tôi nghĩ với phụ nữ, vấn đề đã dễ dàng hơn”.

Trên thực tế, tỷ lệ nữ giới được trao giải Nobel trong giai đoạn 2002-2021 đã tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 1902-1921, từ 4,1% lên 12,4%, theo Statista. Dù vậy, con số này vẫn còn khá thấp.

Tuy nhiên, giáo sư Zimmer cho rằng sự mất cân đối về mặt địa lý vẫn sẽ là vấn đề lớn.

“Các trường đại học ở Nam Phi - quê nhà của tôi - hay Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các trường đại học lớn ở Mỹ và châu Âu. Do đó, các sinh viên giỏi nhất từ các quốc gia này sẽ tới Mỹ và châu Âu để học tiến sĩ hay nghiên cứu sau tiến sĩ. Nếu họ thực sự giỏi, họ sẽ được tuyển dụng và ở lại đây, tạo ra vấn đề với các quốc gia khác”, ông nhận định.

leftcenterrightdel
 Tỷ lệ nữ giới đoạt giải Nobel đã tăng, nhưng vẫn ở mức thấp. Đồ họa:Statista.
 

“Nếu nhìn rộng ra thế giới, vấn đề quốc tịch và chủng tộc khá phức tạp khi các nền khoa học có mức độ phát triển khác nhau”, giáo sư Makarow nói.

Theo bà, nhân tài có ở mọi nơi. Tuy vậy, họ không thể tỏa sáng nếu không có môi trường nghiên cứu lý tưởng - được thiết lập bởi chính sách của nhà nước, cách tổ chức của cơ quan nghiên cứu hay nguồn vốn hỗ trợ.

“Chúng tôi cũng gặp vấn đề về quốc tịch ngay tại châu Âu”, bà chia sẻ, cho biết môi trường học thuật tại Trung và Đông Âu vẫn chưa đủ phát triển để hỗ trợ các nhà nghiên cứu tài năng.

Giải pháp không đơn giản

Theo giáo sư Makarow, đây là vấn đề lớn về mặt danh tiếng đối với giải Nobel và đang trở nên tồi tệ hơn theo từng năm. Trong khi đó, giáo sư Zimmer không nghĩ uy tín của giải thưởng danh giá này có thể bị ảnh hưởng.

“Tôi nghĩ khoảng 30-40 năm trước, khi một số phụ nữ giỏi nhất không được trao giải, điều này là vấn đề. Nhưng ngày nay, tôi nghĩ ủy ban lựa chọn đã rất cẩn thận, họ thực sự muốn và cố gắng đa dạng hóa những người được đề cử và nhận giải”, ông nói.

Dù vậy, vị giáo sư cho rằng bất chấp nỗ lực của ủy ban trao giải Nobel nhằm đảm bảo danh sách người được đề cử đa dạng nhất có thể, vấn đề thiếu tính đại diện vẫn sẽ xảy ra. Ví dụ, trẻ em da trắng đã có cơ hội học tập tốt hơn từ khi còn nhỏ. Trẻ em ở Mỹ và châu Âu cũng có điều kiện tốt hơn trẻ em châu Phi.

“Chúng ta cần có sự thay đổi thực sự lớn, và điều này sẽ chưa thể xảy ra ngay”, ông nói. “Giải Nobel chỉ cho chúng ta thấy những vấn đề trên thế giới. Tôi không nghĩ giải thưởng này có cách nào để thay đổi”.

leftcenterrightdel
 Nhà hóa học Carolyn R. Bertozzi, người phụ nữ đầu tiên được xướng tên trong mùa giải Nobel năm 2022. Ảnh:Reuters.
 

Trong khi đó, bà Makarow chỉ ra việc số lượng giáo sư nữ trong lĩnh vực STEM vẫn thấp hơn số giáo sư nam có thể là một nhân tố gây ra sự mất cân bằng.

“Khi số lượng giáo sư nữ không đủ, họ sẽ không trở thành trưởng khoa hay lãnh đạo trường đại học. Phụ nữ cũng không tham gia vào các cơ quan ra quyết sách như các hội đồng nghiên cứu”, bà nói. “Sự xuất chúng không nên bị tác động bởi các yếu tố thứ cấp như giới tính hay quốc tịch. Tuy nhiên, các tổ chức cần chú ý đến nhu cầu của những người phụ nữ muốn ứng tuyển và khuyến khích họ”.

Theo vị giáo sư, ủy ban trao giải Nobel cần giải quyết vấn đề đa dạng về giới đầu tiên.

“Đây là điều dễ thay đổi nhất vì số lượng nữ khoa học gia xuất chúng là khá nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực y - sinh. Cách thức có thể là tích cực kêu gọi đề cử nữ giới, cũng như quảng bá rộng rãi vấn đề này. Đương nhiên, ủy ban cần đạt được sự cân bằng về giới nói riêng và đảm bảo tính đa dạng nói chung”, bà nhận định.

Theo zingnews