Giá năng lượng và lương thực tăng cao ở Mỹ có thể gây ra ảnh hưởng tới tới chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và khủng hoảng nhân đạo cấp bách nhất đang diễn ra ở các quốc gia nghèo hơn, nơi dân số phải đối mặt với chiến tranh, tình trạng lạm phát và nợ ngoại tệ tăng cao.

Những yếu tố này kết hợp với nhau khiến người dân ở châu Á, châu Phi và một số khu vực của châu Mỹ Latin và Caribe có nguy cơ bị thiếu hụt những hàng hóa cơ bản, bạo loạn, bất ổn và đói nghèo. Xung đột ở Ukraine đang ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung lương thực. Tin tức về một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine được hoan nghênh. Nga và Ukraine chiếm gần 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu, vì vậy bất kỳ sự ngừng trệ hoặc hạn chế nào trong thương mại đều ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thực phẩm cơ bản của nhiều người.

Giá lúa mì tăng, trong khi dầu hướng dương, thịt, gia cầm và một loạt các mặt hàng chủ lực khác cũng tăng giá do chi phí nhiên liệu và phân bón cao hơn. Chỉ số giá lương thực của Liên Hợp Quốc, chỉ số ghi lại ảnh hưởng của chiến tranh và gián đoạn nguồn cung, gần đây đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 156, tăng từ 103 vào năm 2020.

Cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đáng báo động ở Sri Lanka cho thấy những gì có thể xảy ra ở những quốc gia khác. Tình trạng quản lý yếu kém trong thời gian dài và tham nhũng ở quốc gia Nam Á này kết hợp với khủng hoảng kinh tế, giá cả tăng cao, thiếu hụt nhiên liệu và lương thực đã dẫn đến các vấn đề ổn định kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Kết quả là thực trạng bất ổn, bạo loạn và sự sụp đổ của chính phủ.

Khủng hoảng lương thực toàn cầu đòi hỏi phản ứng khẩn cấp của phương Tây - Ảnh 1.

Cánh đồng lúa mì ở làng Zhurivka, Ukraine, ngày 23/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Khó có thể nói Sri Lanka là quốc gia cuối cùng đối mặt với xung đột kinh tế và chính phủ. Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chỉ ra rằng, khủng hoảng lương thực "có thể gây ra bất ổn xã hội, nhưng đói là vấn đề lớn nhất cần được giải quyết của thế giới".

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, chính phủ của các quốc gia nghèo hơn đang phản ứng bằng cách đặt ra các hạn chế đối với xuất khẩu lương thực. Ông lưu ý một cách đúng đắn rằng mặc dù lạm phát gây thiệt hại cho tất cả mọi người, nhưng những người nghèo nhất đã chi ít nhất một nửa thu nhập của họ cho thực phẩm. Họ có rất ít dư địa để có thể ứng phó với việc tăng giá trước khi bị đói và con cái của họ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.

Oxfam ước tính, có tới 323 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói. Còn theo ước tính của Liên Hợp Quốc, 869 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói. Thật không may, các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có trên thế giới cho đến nay đang làm quá ít để ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về lương thực đang diễn ra. Vào tháng 6, nhóm các quốc gia G7, dẫn đầu là Mỹ, đã cam kết hỗ trợ 4,5 tỷ USD để giúp giải quyết tình trạng thiếu lương thực đang gia tăng, nhưng điều này là chưa đủ để tránh thảm họa.

Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cuộc khủng hoảng lương thực đòi hỏi hành động nhanh chóng và nguồn lực ít nhất là 22 tỷ USD. Sự chậm trễ sẽ chỉ làm tăng chi phí về con người, kinh tế và xã hội.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương ở khu vực ở châu Á, châu Mỹ Latin và châu Phi cần có trách nhiệm quản lý cuộc khủng hoảng lương thực, nhiên liệu và được trang bị để khẩn trương vào cuộc.

Các phản ứng không thể chờ cho đến khi Ngân hàng Thế giới và IMF tổ chức cuộc họp thường niên vào tháng 10, mà phải được trao quyền và hành động ngay bây giờ.

Theo vtc.vn