55% dân số toàn cầu thiếu nước sạch
Tình trạng khan hiếm nước xảy ra khi nhu cầu về nước sạch ở một khu vực nhất định vượt quá khả năng cung cấp. Phần lớn nước ngọt trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp (70%), phần còn lại được chia cho mục đích công nghiệp (19%) và sinh hoạt (11%).
Sự khan hiếm nước thường được chia thành 2 loại: thiếu nước do điều kiện sinh thái địa phương và khan hiếm khi cơ sở hạ tầng về nước sạch không đầy đủ.
Một báo cáo từ nhóm nhiên cứu tại Đại học Utrecht (Hà Lan) - đăng trên Tạp chí Nature Climate Change vào tháng 5/2024 - ước tính có 55% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những khu vực thiếu nước sạch ít nhất 1 tháng mỗi năm.
Tác giả chính của báo cáo - tiến sĩ Edward Jones từ Khoa Vật lý Địa lý, Đại học Utrecht - dự báo: “Vào cuối thế kỷ XXI, tỉ lệ này có thể lên tới 66%”.
|
Người dân hứng nước sạch từ xe bồn ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Nguồn ảnh: PTI |
Không chỉ khan hiếm nước, những thay đổi và tác động từ tình trạng thiếu nước sạch cũng diễn ra không đồng đều tại các khu vực khác nhau. Liên hiệp quốc dự đoán nguồn nước tái tạo sẽ giảm 20% nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm 1 độ C.
Các khu vực cận nhiệt đới như Úc, miền Nam nước Mỹ, Trung Mỹ và các nước Bắc Phi được dự báo sẽ nóng hơn và hứng chịu hạn hán thường xuyên hơn trong khoảng thời gian dài hơn.
Ông Jones kết luận: "Việc thiếu nước sạch gây ra rủi ro mang tính hệ thống cho cả con người và hệ sinh thái. Điều này ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Bên cạnh việc tìm cách giảm nhu cầu về nước, chúng ta phải tập trung mạnh mẽ vào việc loại bỏ ô nhiễm nước để xoay chuyển cuộc khủng hoảng nước toàn cầu".
Tác động xấu đến sức khỏe
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang trải qua một cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng. Cảnh phụ nữ và trẻ em tất tả chạy theo các xe bồn chở nước dần trở nên quen thuộc. Người dân phải dựa vào những xe bồn chở nước để đáp ứng nhu cầu hằng ngày giữa một trong những mùa hè nóng nhất lịch sử.
Một người dân tên AP Singh cho biết: “Chúng tôi phải lấy nước từ xe chở nước hằng ngày vào buổi sáng trước khi đi làm. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do nắng nóng. Hiện tại ở New Delhi, tình hình tệ đến mức ngay cả khi chúng tôi muốn mua nước cũng không có”.
Hơn 100 trường học ở quận Almora, bang Uttarakhand, Ấn Độ cũng đang chật vật ứng phó với tình trạng thiếu nước trầm trọng, gây gián đoạn đáng kể các hoạt động hằng ngày và ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Tại trường trung học Atal Utkirsh Inter College, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi việc thiếu nguồn cung cấp nước khiến việc chuẩn bị bữa ăn trưa phải tạm dừng, học sinh phải ăn bánh quy qua bữa.
Hiệu trưởng Anil Mathpal cho biết, những nỗ lực lặp đi lặp lại nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước đều không mang lại kết quả. Các học sinh kể rằng, việc thiếu nước khiến nhà vệ sinh của trường không thể sử dụng được.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có khoảng 1 triệu người chết mỗi năm vì bệnh tiêu chảy do sử dụng nước bẩn, vệ sinh cá nhân không đầy đủ hoặc vệ sinh tay kém. Đáng lưu ý, hầu hết trường hợp tử vong đều có thể phòng ngừa được.
Nếu thế giới giải quyết triệt để những yếu tố nguy cơ, khoảng 395.000 trẻ dưới 5 tuổi có thể được cứu sống mỗi năm. Vào năm 2022, ít nhất 1,7 tỉ người trên thế giới khai thác nước cho nhu cầu cá nhân từ những nguồn bị nhiễm vi khuẩn. Điều này có thể dẫn đến việc lây truyền các bệnh tiêu chảy, dịch tả, kiết lỵ, sốt thương hàn và bệnh bại liệt.
Theo cơ quan giám sát hạn hán của Ủy ban Nước quốc gia Mexico (Conagua), vào tháng 3/2024, gần 60% lãnh thổ Mexico đã trải qua hạn hán ở mức độ vừa phải, nghiêm trọng, khắc nghiệt hoặc vượt kỷ lục. Hơn 6 triệu hộ gia đình ở Mexico gặp khó khăn liên quan đến việc tiếp cận, tích trữ và sử dụng nước.
Abiel Homero Mascareñas de los Santos - giáo sư nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Bệnh viện Đại học José Eleuterio González, Mexico - nhận xét: “Tất cả các cấp chính quyền cần phải thực hiện những chương trình cải thiện và duy trì hệ thống cung cấp nước sinh hoạt để đảm bảo chất lượng và tính sẵn có về nước sạch, đồng thời thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục việc xử lý nước thích hợp tại nhà cho các hộ gia đình".
Theo phụ nữ TPHCM