Thông báo giảm giá tại một cửa hiện ở Melbourne, Úc trong đại dịch Covid-19 - AFP
Hãng AFP ngày 9.6 dẫn báo của của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho hay đại dịch Covid-19 gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất kể từ năm 1870 dù chính phủ các nước hỗ trợ ở mức chưa từng thấy.
Báo cáo Viễn cảnh Kinh tế Toàn cầu dự báo kinh tế sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay, mức giảm nhiều nhất trong vòng 80 năm, trong khi số quốc gia chịu thiệt hại về kinh tế cho thấy quy mô của đợt suy thoái này ở mức tồi tệ nhất trong 150 năm qua.
“Đây là viễn cảnh đáng buồn sâu sắc, với khủng hoảng dường như sẽ để lại những vết sẹo khó lành sớm cùng các thách thức lớn toàn cầu”, theo phó chủ tịch World Bank Ceyla Pazarbasioglu.
Khủng hoảng sẽ lớn đến mức đẩy 70-100 triệu người vào tình trạng nghèo cùng cực chứ không phải ước tính trước đó là 60 triệu người, theo bà Pazarbasioglu. Những người nghèo cùng cực theo ngưỡng do Liên Hiệp Quốc đưa ra vào năm 2018 là người có thu nhập dưới 1,9 USD (44.000 đồng)/ngày.
Trong khi World Bank dự báo kinh tế hồi phục trở lại vào năm 2021, vẫn có nguy cơ đại dịch Covid-19 gây làn sóng lây nhiễm thứ 2 làm ảnh hưởng đến quá trình này.
Các chuyên gia kinh tế đang chật vật dự báo tác động của khủng hoảng mà họ so sánh với một thảm họa thiên tai toàn cầu, nhưng quy mô tác động lên nhiều lĩnh vực và nhiều nước khiến công tác dự báo gặp nhiều thách thức.
Trong khi đó, một nhóm chuyên gia kinh tế Mỹ cho hay nền kinh tế nước này bắt đầu suy thoái từ tháng 2, chấm dứt chuỗi tăng trưởng liên tục 128 tháng – thời gian kỷ lục trong lịch sử Mỹ.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng chậm trong năm nay. Tuy nhiên, World Bank cảnh báo rằng tình trạng trì trệ tại Trung Quốc sẽ cản trở quá trình hồi phục tại các nước đang phát triển, nhất là các nước mạnh về xuất khẩu hàng hóa.
Theo dự báo của World Bank, mức tăng GDP trong năm nay của Trung Quốc là 1%, trong khi các nước khác còn tồi tệ hơn như Mỹ (-6,1%), khu vực châu Âu (-9,1%), Nhật Bản (-6,1%), Brazil (-8%), Mexico (-7,5%) và Ấn Độ (-3,2%).
Báo cáo của World Bank dự báo kinh tế sự giảm đến 8% trong bối cảnh xấu nhất. Dù viễn cảnh không khả quan nhưng dự báo vẫn ở mức chưa bằng với Đại suy thoái, khi kinh tế toàn cầu sụt giảm 14,5% từ năm 1930-1932, trong khi suy thoái sau Thế chiến 2 là 13,8% trong giai đoạn 1945-1946.
Theo thanhnien