Máy bay không người lái Aquila phát sóng Wi-Fi của Facebook - ẢNH: FACEBOOK ENGINEERING
Trước đó, doanh nghiệp đầu tiên của Mỹ cung cấp kết nối bằng sóng vô tuyến phát từ vệ tinh (có trả phí thuê bao) là Viasat Inc. Tháng 6.2005, Viasat bắt đầu cung cấp dịch vụ này cho khách hàng, nhưng chỉ ở một số khu vực không có đường truyền internet bằng cáp.
Đến năm 2012, hệ thống 5 vệ tinh của Viasat đã phủ sóng toàn lục địa Mỹ, Alaska và Hawaii với tốc độ 12 - 20 megabit/giây (tùy gói thuê bao). Tuy vậy, trở ngại lớn là cước thuê bao khá cao: gói thấp nhất là 70 USD/tháng với dung lượng sử dụng chỉ có 12 GB, gói cao nhất là 150 USD/tháng với dung lượng 200 GB. Nhưng đây là giá khuyến mãi cho 3 tháng đầu sử dụng, từ tháng thứ 4 trở đi giá sẽ tăng tương ứng là 100 và 200 USD/tháng.
Một doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong lĩnh vực cung cấp kết nối internet bằng vệ tinh (có thu phí) là OneWeb (của Mỹ hợp tác với hãng Airbus) đã phóng được 74 vệ tinh lên quỹ đạo trong thời gian từ tháng 2.2019 - 2.2020. OneWeb đã huy động được 700 triệu USD từ các nhà đầu tư và 1 tỉ USD từ Quỹ đầu tư Softbank, hãng dự kiến khi hệ thống hoàn tất sẽ có 648 vệ tinh trên quỹ đạo. Nhưng, đại dịch Covid-19 đã phá hỏng mọi dự tính của OneWeb, hãng này đã phải nộp đơn xin phá sản vào tháng 3.2020.
Từ năm 2013, Google giới thiệu dự án Loon dùng khinh khí cầu phát sóng Wi-Fi (Wireless Fidelity) để mang internet đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên Trái đất. Khinh khí cầu của Google hoạt động bằng năng lượng mặt trời, được điều khiển từ xa, bay ở độ cao 18 - 20 km so với bề mặt Trái đất. Bằng việc phân tích dữ liệu GPS thu được, Google có thể điều chỉnh vị trí khinh khí cầu, như biết khi nào cần tăng hoặc giảm độ cao để tăng cường độ phủ sóng và kéo dài tuổi thọ hoạt động của khí cầu. Mỗi khinh khí cầu luôn dịch chuyển vòng quanh thế giới từ tây sang đông nhằm bảo đảm việc kết nối internet ở từng khu vực luôn được duy trì ổn định. Hiện dự án Loon vẫn tiếp tục được Google phát triển và đã thử nghiệm thành công cung cấp kết nối internet cho Kenya (châu Phi) vào tháng 7.2018.
Trong khi đó, Elon Musk, nhà sáng lập hãng công nghệ không gian SpaceX đang có kế hoạch phủ sóng internet trên toàn cầu bằng vệ tinh, gọi là dự án Starlink. Ngày 15.11.2017, SpaceX đã gửi đơn lên Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) để xin phép cho phóng 4.425 vệ tinh có chức năng cung cấp internet lên không gian. Đến nay, SpaceX đã phóng thành công gần 500 vệ tinh của dự án Starlink lên quỹ đạo.
Mô tả hệ thống hàng ngàn vệ tinh phát sóng Wi-Fi toàn cầu - ẢNH: TECHNOLOGY-INFO.NET
Mỗi vệ tinh Starlink có trọng lượng 250 - 386 kg, bay quanh Trái đất ở các độ cao từ 1.150 km đến 1.275 km. Starlink được chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu sẽ phóng 1.600 vệ tinh lên quỹ đạo, giai đoạn hai với 2.825 vệ tinh. Tờ Wall Street Journal đưa tin là SpaceX công bố đã được Google cam kết sẽ đầu tư 1 tỉ USD cho việc nghiên cứu và chế tạo vệ tinh phát sóng internet. Theo trang công nghệ Fossbytes, Goolge cũng có kế hoạch sẽ phóng 1.000 vệ tinh của họ lên quỹ đạo.
Khi hoàn thành việc triển khai 800 vệ tinh đầu tiên của hệ thống Starlink, SpaceX có thể cung cấp internet băng thông rộng miễn phí cho khu vực Bắc Mỹ thông qua sóng Wi-Fi. Sau khi hoàn tất giai đoạn 2, hệ thống vệ tinh Starlink có thể cung cấp băng thông cực lớn lên đến 1 gigabit/giây (gbps) cho người dùng trên toàn thế giới thông qua một hộp thu sóng chuyên dụng nhỏ gọn, chưa biết giá bán.
Tốc độ 1 gbps (khoảng 125 megabyte/giây) được xem là tốc độ cực kỳ ấn tượng, khi mà tốc độ internet trung bình trên toàn cầu tính đến hết năm 2015 chỉ ở mức 5 megabit/giây (5 triệu bit/giây = 5.000 kilobit/giây), chậm hơn gấp 200 lần so với tốc độ lý thuyết của dự án SpaceX.
Ngoài SpaceX và Google, thì Facebook cũng mong muốn mang internet miễn phí đến toàn cầu. Facebook sẽ sử dụng máy bay không người lái do chính hãng phát triển để phủ sóng internet trên toàn cầu, ngay cả ở những khu vực hẻo lánh, không thể tiếp cận bằng các phương tiện giao thông đường bộ. Cuối tháng 6.2017, Facebook cho biết đã bay thử nghiệm thành công lần thứ hai của máy bay không người lái Aquila do họ nghiên cứu phát triển từ năm 2015. Aquila chạy bằng năng lượng mặt trời, có sải cánh lên đến 43 mét, nhưng nặng chỉ khoảng 400 kg nhờ sử dụng vật liệu tổng hợp. Nó có khả năng bay ở độ cao khoảng 18 km và hoạt động hàng mấy tháng liền trên không trung không cần đáp xuống đất. Tuy vậy, có vẻ như Aquila không đạt hiệu quả như mong đợi, tháng 6.2018, Facebook tuyên bố tạm dừng phát triển Aquila và sẽ hợp tác với Airbus để phát triển một hệ thống khác.
Khi cầu Loon của Google sẽ cung cấp kết nối internet bằng sóng Wi-Fi miễn phí - ẢNH: WIKIPEDIA
Các đại gia công nghệ khác cũng không đứng ngoài cuộc. Năm 2015, Samsung phác thảo dự án phóng 4.600 vệ tinh ở độ cao 1.400 km cung cấp kết nối internet với dung lượng 200 gigabyte/tháng cho 5 tỉ người dùng internet toàn cầu, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Tháng 4.2019, đại gia bán lẻ Amazon công bố dự án Kuiper phóng 3.236 vệ tinh cung cấp kết nối internet bằng sóng Wi-Fi trong thập niên 2019-2029 và đang tiến hành việc xây dựng 12 trạm điều hành vệ tinh cho dự án này.
Theo công bố của các tập đoàn công nghệ Mỹ, họ muốn đưa internet đến với 7 tỉ người trên Trái đất, nhất là những vùng xa xôi hẻo lánh, kinh tế khó khăn. Họ nhận định rằng internet là cách để con người thoát nghèo, cải thiện chất lượng giáo dục, y tế…, bởi vẫn có khoảng cách và khó khăn lớn ở các nước đang phát triển trong việc kết nối và tham gia vào nền kinh tế tri thức toàn cầu. Nhưng còn cái lợi họ không đề cập là việc sản xuất và bán ra hàng tỉ thiết bị thu sóng vệ tinh, bởi mỗi hệ thống vệ tinh hoặc khí cầu phát sóng trên các tần số khác nhau, nên ai dùng sóng của hãng nào thì phải mua thiết bị của hãng đó. Tiếng là xài kết nối internet miễn phí nhưng thật ra không phải là hoàn toàn miễn phí, vì người dùng phải đầu tư một khoản chi phí nhất định để mua thiết bị thu sóng, nhưng sẽ không phải trả tiền cước thuê bao hằng tháng như hiện giờ.
Theo thanhnien