Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các em thiếu nhi

Chung tay vì tương lai tốt đẹp nhất cho trẻ em

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ vui mừng khi thấy các số liệu thống kê cùng các phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế liên quan tới phát triển con người, tới chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở nước ta tốt hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhắc nhở “chúng ta không nên quên rằng ngay giờ phút này không ít trẻ em vẫn sống trong nghèo đói, vẫn đang là nạn nhân của của bạo hành, của phân biệt đối xử, của tệ nạn... và của rất nhiều thứ khác nữa - những thứ đã xâm phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản, đã cướp đi cơ hội được phát triển của các em”.

Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng còn nhắc đến những hình ảnh gây xúc động như “xác em bé ba tuổi người Syria nằm sấp trên bờ biển” hay “con kền kền chờ em bé Sudan chết đói trong bức ảnh của Kevin Carter” nhằm kêu gọi tất cả mọi người “hãy nhớ về tuổi thơ và cùng nguyện làm tất cả để trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất”.

“Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, công bằng và tràn ngập tình nhân ái là ước vọng của loài người. Khát vọng chính đáng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả các dân tộc, tất cả chúng ta cùng chung tay với đầy đủ trách nhiệm và sự thực tâm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhiều thành tựu quan trọng

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, qua 25 năm thực hiện Công ước quyền trẻ em, các Tuyên bố và kế hoạch toàn cầu vì trẻ em, cùng với phấn đấu về đích trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như: tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm, triển khai thành công các chương trình tiêm chủng mở rộng, y tế học đường; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010 và đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục trung học phổ thông; Thực hiện nhiều chương trình bảo vệ trẻ em và chính sách chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế, hoạt động văn hóa, thể thao ở địa phương…

Tuy nhiên, bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa, tăng trưởng kinh tế quốc gia chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, biến đổi khí hậu nhanh và khó lường có nguy cơ đẩy nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, mất các quyền cơ bản. Trước những khó khăn, thách thức này, Việt Nam càng phải quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện quyền trẻ em thông qua việc kiện toàn, đồng bộ hệ thống pháp luật, chính sách đáp ứng các yêu cầu mới nảy sinh liên quan đến quyền trẻ em.

Thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác

Đại diện Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định: “Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang chung sức với cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy các giá trị về quyền con người nói chung và về quyền trẻ em nói riêng”.

Trên tinh thần đó, ông Hà Kim Ngọc nêu rõ những thành tựu đối ngoại trong việc đảm bảo quyền trẻ em, đồng thời đặt ra ba mục tiêu, bao gồm: Nỗ lực để trẻ em trên mọi miền Tổ quốc được thụ hưởng đẩy đủ những thành quả phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế của đất nước; Hợp tác quốc tế trong vấn đề bảo đảm quyền trẻ em cần được tăng cường một cách mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa và Công tác tuyên truyền về Công ước quyền trẻ em cần được đẩy mạnh hơn, trong đó cần làm nổi bật tinh thần chủ đạo của Công ước, đó là không những yêu thương, bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà còn phải tôn trọng và lắng nghe tiếng nói của trẻ em.

“Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực để gắn kết cộng đồng quốc tế, các bạn bè và đối tác nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước để thúc đẩy các chương trình, dự án vì lợi ích của mọi trẻ em Việt Nam. Chúng ta thường nói trẻ em hôm nay là một phần ba thế giới, song ngày mai sẽ là tất cả tương lai của chúng ta”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.

Về phần mình, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ tại Việt Nam Youssouf Abdel-Jelil ghi nhận những cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Đồng thời, ông Youssouf Abdel-Jelil bày tỏ tin tưởng rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hệ thống pháp luật thân thiện với trẻ em và tiếp tục cung cấp đầy đủ nguồn lực để giải quyết những hạn chế về pháp lý và phúc lợi cho trẻ em Việt Nam.

 “Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới, UNICEF và Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện các chương trình đầu tư và pháp lý nhằm thực hiện Công ước LHQ về Quyền trẻ em một cách mạnh mẽ hơn”, ông Youssouf Abdel-Jelil bày tỏ.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng các em thiếu nhi đã xem lại những thước phim về thành tựu của Việt Nam trong 25 năm qua kể từ khi Công ước của LHQ về quyền trẻ em được phê chuẩn đến nay và video clip phóng sự ghi lại những ý kiến, nguyện vọng và ước mơ của trẻ em trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Ngày 20/2/1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em mà không bảo lưu một điều khoản nào.

                                                                                                         Theo Thế giới và Việt Nam