Tín hiệu tích cực
Nhiều người trong nghề bày tỏ sự bất ngờ và phấn khởi khi liên hoan được hưởng ứng nồng nhiệt, dù đời sống sân khấu cải lương năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn. So với 22 đơn vị mang 27 vở diễn đến liên hoan ở Long An năm 2022 thì năm nay, số lượng đơn vị và vở diễn đều tăng đáng kể.
Trong đó, đại diện sân khấu phía Bắc vẫn có các đơn vị công lập giàu truyền thống như: nhà hát cải lương Hà Nội, đoàn cải lương Hải Phòng, các nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ninh… Sân khấu phía Nam vẫn chủ yếu là các sân khấu xã hội hóa. TPHCM có 12 đơn vị dự liên hoan thì chỉ nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là đơn vị Nhà nước, còn lại đều là sân khấu xã hội hóa. Các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang… cũng huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư tác phẩm dự liên hoan.
|
Lưu vong - Khí tiết một trung thần là vở diễn hoàn toàn mới do Nghệ sĩ ưu tú Lê Trung Thảo viết kịch bản, dàn dựng lẫn đảm nhận vai chính |
Một điều đáng ghi nhận nữa là dù gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn các đơn vị xã hội hóa, đặc biệt là các sân khấu tại TPHCM, đều nỗ lực mang đến những tác phẩm thật chỉn chu, chuyên nghiệp. Bên cạnh những thương hiệu sân khấu như Sen Việt, Vũ Luân hay Đại Việt, đã xuất hiện những “ông bầu” trẻ đầy tâm huyết và táo bạo. Có thể kể đến đạo diễn trẻ Dương Khôn tự tin mang tác phẩm tốt nghiệp Truyền tích Cổ Loa xưa đến liên hoan. Người mang 9 án tử của nghệ sĩ Hoàng Hải hay Lưu vong - Khí tiết một trung thần của Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Lê Trung Thảo đều thể hiện sự đầu tư quy mô lẫn chất xám mà nhiều đơn vị công lập chưa hẳn có được.
So với các kỳ liên hoan trước, số tác phẩm mới cũng vượt trội với khoảng 20 vở diễn. Có những vở hoàn toàn mới, như: Chất ngọc - Cầm Thi giang (nhà hát cải lương Tây Đô, Cần Thơ) lần đầu đưa hình tượng soạn giả cải lương tiên phong Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền lên sân khấu; Khúc tráng ca thành Gia Định (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) lần đầu khai thác trận chiến bảo vệ thành Gia Định dưới sự chỉ huy của tổng trấn Võ Duy Ninh ở buổi đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta; Người con của rừng tràm (đoàn nghệ thuật cải lương Long An) ca ngợi chiến thắng Láng Le - Bàu Cò với sự đóng góp và hy sinh của nhiều người con Long An; Hào kiệt Lam Sơn (sân khấu Thiên Long) thể hiện một góc nhìn về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với đóng góp to lớn của những người phụ nữ bên cạnh Lê Lợi; Lưu vong - Khí tiết một trung thần (Công ty Hồng Lạc Xuân) lần đầu khai thác hoàn cảnh bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống luôn sống trong dằn vặt, ân hận khi lựa chọn quay lưng lại quê cha đất Tổ… Cùng những kịch bản lần đầu có bản dựng cải lương như: Anh hùng đất phương Nam (sân khấu Vũ Luân), Tây Sơn nữ tướng - Chói rạng sơn hà (sân khấu Sen Việt), Đồng chí (nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Đồng Nai), Hào quang và bóng tối (đoàn cải lương Hương Tràm - Cà Mau), Không gục ngã (đoàn cải lương Hải Phòng)… hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người xem.
Về tổng thể, các tác phẩm dự liên hoan lần này khá đa dạng về đề tài (lịch sử, dã sử, chiến tranh cách mạng, hậu chiến, tâm lý xã hội, đương đại…), số vở diễn lịch sử khá cân bằng với đề tài cách mạng, hiện đại. Các đơn vị đã chú ý khai thác đúng thế mạnh của mình hơn là chỉ chạy theo đề tài “dễ lấy huy chương”.
Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có sự góp mặt của: tác giả Nguyễn Sỹ Chức; đạo diễn, NSƯT Trần Thắng Vinh; Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Vương Hà; NSND Thanh Điền; nhà văn Bích Ngân; nhạc sĩ Huỳnh Khải; họa sĩ, NSƯT Doãn Bằng .
Qua 2 mùa hội diễn với các nhân tố trẻ như NSND Quế Trân và NSND Hồ Ngọc Trinh góp mặt trong hội đồng giám khảo thì liên hoan này lại trở về guồng quay trước đó với toàn “trưởng bối”. Vẫn còn một số ý kiến cho rằng, xét về sự gắn bó với đời sống sân khấu cải lương, kinh nghiệm chuyên môn, việc tiếp cận với đời sống cải lương và khán giả cải lương của ngày hôm nay… thì ở góc độ nào đó, vẫn có người chưa thực sự thuyết phục cả người làm nghề lẫn khán giả khi ngồi ghế giám khảo. Tuy nhiên, mọi nhận định vào thời điểm này có lẽ vẫn còn quá sớm, câu trả lời đang nằm ở những gì diễn ra sắp tới.
|
Vài điều đáng tiếc
Đạo diễn, NSƯT Lê Trung Thảo cho biết, mỗi mùa hội diễn là dịp để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm nên anh có phần hụt hẫng khi một số “đoàn lớn”, nhất là ở khu vực phía Bắc, lại không thể góp mặt trong dịp “hội nghề” tại Cần Thơ. Không riêng gì Lê Trung Thảo, đợt này, nhiều người làm nghề lẫn người quan tâm, theo dõi đời sống sân khấu cải lương đều cảm thấy đáng tiếc khi liên hoan cải lương toàn quốc lại vắng mặt nhà hát cải lương Việt Nam. Không chỉ là lá cờ đầu của sân khấu cải lương phía Bắc mà nhiều năm qua, nhà hát cải lương Việt Nam luôn mang đến hội diễn những tác phẩm chất lượng cao với nhiều dấu ấn sáng tạo. Đầu tháng 9/2024, nhà hát đã khuấy động dư luận với vở cải lương Cánh cửa khép hờ, khai thác đề tài giả tưởng về trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Nhiều nghệ sĩ và cả khán giả đã mong chờ được xem vở diễn với nhiều thử nghiệm trong nội dung và dàn dựng này tại liên hoan. Được biết, nhà hát cải lương Việt Nam không đủ kinh phí để đưa đoàn đi xa.
|
Vở cải lương kinh điển Người ven đô sân khấu Đại Việt trở lại với hơi thở mới |
Ngoài ra, một số đơn vị cũng mất vị thế và tính chất của một “đoàn lớn” khi phải sáp nhập vào các trung tâm văn hóa ở địa phương. Nhiều nghệ sĩ không khỏi ngậm ngùi khi những thương hiệu lẫy lừng thuở nào như đoàn văn công Đồng Tháp hay đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang không còn mà thay vào đó là các trung tâm văn hóa - nghệ thuật tỉnh. “Hiện đâu còn bao nhiêu nhà hát, đoàn cải lương giữ được bảng hiệu chuyên nghiệp. Phần lớn đã sáp nhập vào các trung tâm văn hóa vốn có chức năng hoạt động phong trào rồi dần “nghiệp dư hóa”. Việc có mặt ở liên hoan cũng là nỗ lực rất lớn của các nghệ sĩ vì mê nghề” - một nghệ sĩ chia sẻ.
Liên hoan vẫn còn những tác phẩm gợi lên sự cũ kỹ với các kịch bản đã hàng chục năm tuổi và quá quen thuộc với khán giả, như: Trước bình minh (Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu), Giọt máu oan cừu (Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu), Muôn dặm vì chồng (nhà hát cải lương Hà Nội), Đêm giao thừa (Hội Sân khấu TPHCM), Mưa nguồn (Công ty Vietstar), Cây lẻ bạn (sân khấu Kim Ngân)… Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vở diễn “cũ” hay “mới” không đến từ “tuổi” của kịch bản mà ở chất lượng kịch bản cùng khả năng dàn dựng, thổi hơi thở thời đại mới vào tác phẩm. “Sân khấu Đại Việt và đạo diễn Hoa Hạ đã đưa vở cải lương Người ven đô trở lại sau gần 50 năm mà khán giả vẫn thấy hấp dẫn. Vì thế, cứ thử chờ xem những kịch bản cũ sẽ được làm mới như thế nào. Tôi rất trông chờ xem vở Muôn dặm vì chồng của nhà hát cải lương Hà Nội, tò mò muốn biết một đơn vị cải lương miền Bắc sẽ thể hiện một kịch bản quen thuộc về những con người tiêu biểu đất phương Nam như thế nào” - chị Tâm Chiến (quận 1, TPHCM), một khán giả cải lương lâu năm, chia sẻ.
Mảng đề tài xã hội đương đại vẫn còn hiếm khi chỉ có: Khi dòng sông nổi giận (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long), Sau lưng thềm nắng (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp) nói về những đổi thay trong đời sống người dân Nam Bộ hôm nay, hay Ánh nhật nguyệt (nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Đồng Nai) đề cập các vấn đề của ngành y tế sau đại dịch COVID-19… Việc thiếu những tác phẩm đề cập trực diện các vấn đề cuộc sống hiện tại trong nhiều năm cũng vô hình trung khiến sân khấu cải lương khó tiếp cận lớp khán giả mới hôm nay.
Theo phụ nữ TPHCM