Một báo cáo của ủy ban các vấn đề kinh tế của Thượng viện Anh gần đây cho biết việc nghỉ hưu sớm ở những người từ 50 đến 64 tuổi chiếm phần lớn trong số 565.000 công dân Anh không có hoạt động kinh tế nào kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo Guardian.
Báo cáo cho biết xu hướng này đặt nền kinh tế vào nguy cơ tăng trưởng yếu hơn và lạm phát cao liên tục.
Tuy nhiên, sau khi con số kỷ lục người từ 50 tuổi trở lên ở Anh rời bỏ lực lượng lao động do đại dịch, xu hướng đang bắt đầu đảo ngược khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt buộc một số người phải xem xét lại việc nghỉ hưu sớm.
Trở lại làm việc vì chi phí sinh hoạt
Dave, 63 tuổi, đến từ Southport, Merseyside, nghỉ hưu ở tuổi 60 sau 33 năm làm việc tại Royal Mail, ngay trước khi đại dịch bắt đầu. Ông cho biết sau khi nghỉ hưu, ông “có kế hoạch làm một việc gì đó khác trong vài năm để tận hưởng”.
Ông Dave ở Southport tự nguyện nghỉ việc tại Royal Mail khi 60 tuổi. Ảnh: Dave.
-
|
Ông Dave ở Southport tự nguyện nghỉ việc tại Royal Mail khi 60 tuổi. Ảnh:Dave.
|
“Lương hưu của Royal Mail cũng ổn, nhưng không đủ cho cuộc sống hàng ngày và các kỳ lễ. Vì vậy, khoảng một năm rưỡi trước, tôi quay trở lại làm việc thời vụ tại nhà trẻ trong khu dân cư để có thể kiếm được thêm 500 bảng mỗi tháng”.
Ban đầu, khoản thu nhập thêm kia đủ để chi tiêu hàng tháng, giúp ông bảo toàn khoản tiết kiệm của gia đình. Tuy nhiên, Dave dần không thể trang trải chi phí sinh hoạt như điện, nước nếu không sử dụng tiền tiết kiệm vì số giờ làm ngày càng ít.
Tháng trước, ông bắt đầu công việc bán thời gian tại một công ty luật, với công việc trực điện thoại khách hàng gọi đến hỏi ý kiến về các sơ suất khi sử dụng dịch vụ y tế.
“Tôi làm 17,5 giờ một tuần, tôi được chọn ca và thời gian thực sự linh hoạt. Công việc này giúp tôi có thêm 500-600 bảng Anh mỗi tháng. Tại thời điểm này, khoản thu nhập đó không chỉ quá tuyệt, mà còn cần thiết với tôi”, ông nói.
Dave nói rằng quyết định của ông không liên quan gì đến mối lo ngại của chính phủ về việc hàng trăm nghìn người Anh nghỉ hưu sớm.
“Tôi quay lại làm việc chủ yếu vì chi phí sinh hoạt, đó là lựa chọn cá nhân dựa trên hoàn cảnh cá nhân. Tôi dự định làm việc ít nhất cho đến khi 66 tuổi, khi tôi đủ điều kiện nhận lương hưu nhà nước. Sau đó tôi sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục làm việc hay không”, ông nói.
Chán nản vì không đóng góp tài chính cho gia đình
David, 62 tuổi, một nhà quản lý dữ liệu ở London, đã trở lại lực lượng lao động vào năm nay sau 3 năm gián đoạn sự nghiệp khi ông nghỉ việc vào năm 2019. Hiện ông làm việc 3 ngày/tuần cho một tổ chức từ thiện, và làm tình nguyện viên tại ngân hàng thực phẩm mỗi tuần một lần.
“Công việc trước đây có mức lương cao và tôi có thể sống nhờ số tiền tiết kiệm trong một thời gian, đặc biệt là khi vợ tôi vẫn đi làm”, ông nói và cho biết thêm rằng ban đầu ông thích có nhiều thời gian hơn để đi bộ, xem phim rạp và gặp gỡ bạn bè.
“Nhưng sau vài tháng, cảm giác mới lạ khi có thời gian cho bản thân mất dần và tôi bắt đầu cảm thấy bị cô lập, thiếu động lực và tội lỗi vì đã không đóng góp tài chính cho gia đình. Đại dịch rõ ràng đã làm cho điều này trở nên tồi tệ hơn”.
Ông David cũng chia sẻ mình không đủ tài lực để nghỉ hưu hẳn.
“Tình trạng tài chính của tôi không thực sự khó khăn nhưng có công việc bán thời gian sẽ dễ dàng hơn.Tôi không kiếm được nhiều nhưng đủ để sống qua ngày và độc lập về tài chính”, ông nói. Ông dự định tiếp tục làm việc cho đến khi 67 tuổi.
David cho biết công việc mới trong lĩnh vực từ thiện đã giúp ông tự tin hơn và ông hy vọng sẽ tiếp tục tham gia vào công việc tình nguyện sau khi nghỉ hưu. “Tôi hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu của tổ chức từ thiện, yêu thích công việc và yêu mến con người ở đây. Tôi cảm thấy có giá trị và lòng tự trọng của tôi đã trở lại”.
Không nghĩ sẽ phải trở lại làm việc
Nicky Dalglish bắt đầu làm việc trở lại cách đây 4 năm sau khi chồng bà bị sa thải. Người phụ nữ 63 tuổi hiện làm việc trong lĩnh vực từ thiện ở London.
Trước đây, bà từng làm trợ lý hành chính trong ngân hàng đầu tư và đã ngừng làm việc trong 15 năm khi bà có con. “Tôi thấy rõ ràng rằng mình cần phải đóng góp, mặc dù mức lương từ thiện là mức lương tối thiểu”, bà nói.
Bà Dalglish hiện làm quản lý dự án cho một chương trình làm việc với những người xin tị nạn và người tị nạn. Bà nhấn mạnh việc trở lại lao động sau thời gian dài không đi làm có thể đặc biệt khó khăn đối với phụ nữ.
“Sau 15 năm ở nhà nội trợ, thật khó để quay lại làm việc ở tuổi 59. Hầu hết mọi người đều chê bai bạn”, bà Dalglish nói.
|
Bà Nicky Dalglish nghỉ việc được 15 năm trước khi quay trở lại lực lượng lao động cách đây 4 năm. Ảnh:Nicky Dalglish.
|
“Lúc đầu thực sự rất đáng sợ và khó khăn. Tôi đã rất lo lắng về những tiến bộ của công nghệ khi tôi vắng mặt. Nhưng mọi chuyện vẫn ổn và tôi đã được thăng chức vài lần kể từ đó”, bà kể.
Dalglish bắt đầu làm việc trở lại chủ yếu vì kinh tế. Bà cho biết ban đầu mình không có kế hoạch làm việc trở lại.
“Tôi có đứa con đầu lòng ở tuổi 41. Tôi không thể nào nghĩ rằng mình sẽ quay trở lại”, bà Dalglish nói.
Hiện bà làm việc 3 ngày/tuần và nói rằng mình “không thể nghĩ đến việc từ bỏ” công việc, đồng thời chia sẻ rằng bà hiện đi làm không chỉ đơn giản vì thu nhập mà còn vì yêu thích lĩnh vực từ thiện.
“Tôi cần tiền”
Sau một thời gian làm việc trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, Elizabeth Bradley, đến từ Somerset, đã rời bỏ lực lượng lao động vào cuối độ tuổi 50 của mình.
Bradley, hiện 64 tuổi, cho biết: “Tôi đã làm việc cho hội đồng quận trong lĩnh vực chăm sóc xã hội dành cho người lớn trong thời kỳ thắt lưng buộc bụng. Thật sự khó khăn khi đảm nhận vai trò đó”.
Bà đã dành thời gian đi du lịch vòng quanh New Zealand và Australia, Covid-19 ập đến khiến bà bắt đầu cảm thấy “thiếu”. “Tôi cảm thấy buồn chán. Tôi đã bỏ lỡ tình bạn công sở và tương tác xã hội, không chỉ vì Covid-19, mà vì tôi không làm việc. Tôi cần có mục đích sống và tôi cần thu nhập để thúc đẩy mình”, bà nói.
Bradley trở lại làm việc cách đây một năm, trở thành nhân viên hỗ trợ tại tổ chức từ thiện.
Dù đưa ra quyết định ngừng nghỉ hưu chủ yếu vì muốn làm việc, bà nói rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện đã khiến tài chính của bà trở thành vấn đề cấp bách.
“Trước khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nổ ra, tôi vẫn có thể xoay xở tốt tài chính của mình. Bây giờ không còn được như vậy nữa. Rõ ràng là tôi cần tiền”, bà nói.
Bà hiện làm việc tới 35 giờ/tuần và dự định tiếp tục làm việc trong nhiều năm nữa. “Tôi nghĩ rằng mình có thể tiếp tục miễn là tôi vẫn có thể cống hiến. Tôi có thể làm việc đến 70 tuổi, hoặc lâu hơn”, bà Bradley cho biết.
Theo Zingnews