-
|
|
Trẻ em ở Sri Lanka không có cơm ăn. Ảnh:Chamila Karunarathne. |
Nhiều tháng qua, tại một trường công lập ở Colombo (Sri Lanka), chuyện trẻ ngất xỉu giữa lớp không còn là chuyện hiếm gặp. Những đứa trẻ tại thành phố này gần như phải đến trường trong tình trạng thiếu cơm ăn do đất nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng năm 1929, theo Guardian.
Cô Sandarenu Amarasiri, giáo viên ở Sri Lanka, cho biết nhiều phụ huynh không đủ tiền mua những thực phẩm cơ bản như thịt, trứng, sữa. Nhà trường bắt đầu chương trình cung cấp bữa ăn cơ bản để hỗ trợ trẻ nhưng mọi chuyện đều không dễ dàng vì giá thực phẩm tăng quá nhanh.
Theo chỉ số giá tiêu dùng Colombo, vào tháng 9/2022, lạm phát lương thực tại Sri Lanka đạt mức kỷ lục là 94,9%. Điều này đồng nghĩa với việc các gia đình không đủ khả năng chi trả những thứ cơ bản như gạo, gia vị. Rau và thịt trở thành món đồ xa xỉ, nhiều người không thể mua nổi.
Tại làng Mahavita ở Yakkala, cách Colombo khoảng 32 km, những bà mẹ đang tuyệt vọng vì không thể cho con ăn đủ bữa. Bà Wasanthi Jennifer (43 tuổi) cho biết bây giờ bà còn không đủ tiền để mua lá kohila, một loại thảo mộc được bán ven đường ở Sri Lanka.
Ở những vùng nghèo đói phía bắc Sri Lanka, nhiều gia đình phải gửi con đến nhà trẻ vì không thể mua thức ăn cho con.
Một quan chức làm việc trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em xác nhận với Guardian rằng nhiều phụ huynh phải gửi con ở nhà trẻ vì vấn đề tài chính. "Tôi gặp nhiều phụ huynh nói họ không thể chu cấp bữa trưa cho con", vị này nói.
Ishanka Maduwanthi (34 tuổi) một bà mẹ khác sống ở Yakkala gần Colombo, cho biết cô không còn đủ khả năng chi trả học phí để đưa con trai 5 tuổi đến trường. Con gái 9 tuổi cũng buộc phải nghỉ học vì gia đình không đủ tiền mua thức ăn và trả tiền xe buýt.
Kể từ đầu năm 2022, tham nhũng, đại dịch và những quyết định kinh tế sai lầm đã đẩy Sri Lanka vào khủng hoảng. Nước này không còn dự trữ ngoại tệ để nhập các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men.
Do đó, tình trạng thiếu lương thực, thiếu điện trở thành vấn đề của đất nước 22 triệu dân. Nhiều trường học cũng phải đóng cửa. Trẻ em là đối tượng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất.
90% người dân Sri Lanka sống dựa vào các nguồn tài trợ của nhà nước nên tình trạng trẻ suy dinh dưỡng tăng cao. Theo Save the Children, 2/3 gia đình tại đất nước này đang vật lộn để tự kiếm ăn.
Ông George Laryea-Adjei, Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á, cho biết "trẻ phải ôm bụng đói đi ngủ, không biết bữa ăn tiếp theo sẽ đến từ đâu".
Theo zingnews