leftcenterrightdel
 Gần 500 diễn viên, nghệ nhân tham gia biểu diễn vòng xòe tại lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái. (Nguồn: TTXVN)

Tại Lễ vinh danh tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, qua những lời ca, tiếng hát, những điệu Xòe uyển chuyển, duyên dáng, các nghệ nhân người dân tộc Thái, nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên đã làm “sống dậy” các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc một cách hấp dẫn, qua đó tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Xòe Thái là một loại hình vũ đạo với những động tác biểu tượng cho hoạt động của con người, được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Người Thái quan niệm: “Không Xòe, hoa không nở. Không Xòe, người không vui. Không Xòe, trai gái không thành đôi. Không Xòe, lúa, ngô không thành bắp”.
leftcenterrightdel
Các nghệ nhân dân gian, nam, nữ diễn viên chuyên và không chuyên trình diễn màn Xòe đoàn kết, để lại ấn tượng sâu đậm với du khách và quần chúng nhân dân. (Nguồn: TTXVN) 
Cho đến nay, hầu hết các cộng đồng người Thái tỉnh Sơn La vẫn rất thích được tham dự các cuộc sinh hoạt múa Xòe nói riêng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng nói chung, làm sôi động thêm cuộc sống hằng ngày ở các bản, mường, đặc biệt vào thời gian đầu năm mới và thời gian rỗi sau mùa vụ.

Tương truyền, người Thái có hơn 30 điệu xòe được các thiếu nữ Thái múa trong tiếng trống xòe rộn rã, hay trong tiếng đàn tính tẩu dìu dặt, trầm bổng, như những cung bậc tâm hồn của những con người chân thành, mộc mạc, cởi mở mà không kém phần tinh tế, sang trọng.

Hiện nay, tỉnh Sơn La vẫn còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các điệu Xòe cổ truyền thống như: Xòe nâng khăn mời rượu, Xòe bổ bốn, Xòe tiến lùi, Xòe tung khăn, Xòe vỗ tay múa vòng tròn, Xòe vòng và Xòe trong các nghi lễ.

Trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, múa Xòe giữ vai trò chủ đạo, là một sản phẩm tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Thái. Sức hấp dẫn của Xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí..., điệu Xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên.

Nghệ thuật Xoè Thái trở thành một tài nguyên văn hóa để cộng đồng người Thái góp phần phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu với các dân tộc anh em trong và ngoài tỉnh.

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào không chỉ của riêng cộng đồng người Thái mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La.

Thời gian tới, tỉnh tập trung đưa Xòe Thái trở thành điểm nhấn cho các điểm đến, phục vụ du lịch cộng đồng, tạo ra không khí sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách trong và ngoài nước.

Đồng thời, tỉnh thực hiện tốt chính sách tôn vinh các nghệ nhân tiêu biểu trong văn hóa các dân tộc thiểu số, coi nghệ nhân là “Những báu vật nhân văn sống”; tăng cường tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong văn hóa dân tộc Thái nói chung, nghệ thuật Xòe Thái nói riêng.

Ngày 13/9, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức họp báo về công tác chuẩn bị Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào lúc 20h ngày 24/9 tại sân vận động thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có các hoạt động diễu diễn đường phố với sự tham gia của trên 500 nghệ nhân, nhân dân tham gia từ các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên nhằm giới thiệu hình ảnh trang phục và những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc Thái và một số dân tộc tại các địa phương.

Cùng với đó, có các hoạt động như: Trưng bày, triển lãm ảnh di sản “Nghệ thuật Xoè Thái” và “Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc” mở rộng; Không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc; Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng miền và văn hóa ẩm thực năm 2022; Triển lãm ảnh, tư liệu tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... 

Theo baoquocte